Nhàn đàm: Miền cây có múi

26/03/2023 08:30 GMT+7

Thực tế ban đầu không dễ biết được vùng đất nào thích hợp với loại cây gì. Bởi, người nông dân chân chất di cư đến và lập nghiệp nơi nào cũng phải trải qua bao sương gió, nắng mưa, sau đó mới tìm được một vài loại cây thích hợp.

Nên với người vừa đặt chân đến một thôn làng, nhìn ngắm rồi xuýt xoa đưa chiếc điện thoại trước lúc lỉu quả xanh quả vàng để selfie chỉ nhìn thấy vẻ đẹp hiện tại của bưởi, chanh, cam, mít, sầu riêng… lúc ấy, có biết đâu đằng sau những cây những trái là… một trời vất vả!

Đó là suy nghĩ của tôi khi đến vùng đất Suối Nho, nằm kề quốc lộ 20, trên con đường vươn thẳng lên Đà Lạt. Ông chủ vườn có 2 mẫu đất, trồng bưởi, chanh và mít - lam lũ, trần lưng suốt 30 năm, nhẩn nha kể: Hồi đầu trồng điều, suốt 7 năm, đến khi điều ra trái cho hột, nhưng có lẽ không hợp đất, thu hoạch được chẳng là bao. Rồi nảy ra ý trồng tiêu. Hàng trăm trụ gạch xây đường kính 1,2 mét cho tiêu leo rợp vườn, có đận cũng bán được giá. Nhưng rồi tiêu bị bệnh, kéo dây tiêu xuống, gieo giống tiêu mới, lại tiếp tục bị bệnh. Hóa ra, thửa đất nào tiêu đã bệnh chết hàng loạt, trồng lại tiêu cũng… tiêu luôn. Không sống được, cứ héo quắt, rũ ra rồi khô dần. Mất ròng rã gần 10 năm mà vẫn thất bại. Tìm tòi học hỏi, như người trẻ khởi nghiệp, nhà nông phải "khởi đất" trồng lại từ đầu. Dăm năm sau, bưởi cam chanh quýt rợp vườn. Ngồi ngẫm, với đất, nước, thời tiết miền đất mình sống hóa ra hợp với loài cây có múi. Bây giờ, cứ tạm thời… ung dung thu hái!

Nói tạm thời, là bởi không biết mai này khí hậu biến đổi, ô nhiễm càng nhiều thì các giống cây có múi "nhạy cảm" có chịu đựng nổi không. Tháng ba, trời giữa trưa lên đến 40 độ C, nhìn ra vườn cây thấy chen giữa những trái bóng bẩy ngon lành, đã có một ít vỏ trái chi chít lấm tấm vết chích đen của côn trùng. Lá như quắt đi, dù buổi sáng vừa ráo sương đêm đã bật hệ thống tưới. Nắng hạn hanh hao, nhìn quanh vườn không ít trái rụng khi chưa kịp già. Thương lái thu mua ngày càng khó tính, lại phải chọn lựa kỹ càng. Đừng tưởng ra hoa kết trái sum suê ban đầu là cuối mùa ăn trọn. Cái sự tính toán ấy cũng đủ đau đầu cho biết bao nhà vườn, không chỉ miền đất cây có múi Suối Nho này, mà đi cả miệt Đông Nam bộ, tôi đều nhận ra điều ấy trong câu chuyện của những chủ vườn.

Cũng từng có một thời chăm bẵm mảnh vườn nhà, nên mỗi buổi chuyện trò, chủ đề tôi nêu ra với chủ nhân của vườn của rẫy cũng không nằm ngoài sự hỏi han hiệu quả thu hoạch mỗi vụ. Một quãng đường dài vun xới ở xứ đất đỏ bạt ngàn cây trái này, rốt cuộc người làm vườn vui với mỗi mầm cây mỗi sớm, buồn với lúc trái rụng khắp vườn. Nhịp thở ấy của họ mỗi ngày, đôi khi cần một sự thấu hiểu cảm thông. Vì có làm vườn mới biết mệt nhọc một nắng hai sương, như ngày đang lứa tuổi học sinh cấp 3, tôi đã từng ra công cải tạo, quy hoạch lại mảnh vườn ở quê nhà, chẳng khác là bao.

Nhưng có điều khác, là mảnh vườn ngày trẻ của tôi chỉ bằng bàn tay nếu đem so với hàng công, hàng mẫu của chủ nhân vườn rẫy xứ này. Cứ thế, nhân lên là biết mồ hôi, tâm sức đổ ra để tạo dựng, thúc giục để đất đem lại mùa màng hoa lợi. Tự dưng, lẩn thẩn nghĩ lui nghĩ tới bao điều, khi giơ chiếc điện thoại lên bấm mấy tấm hình với vườn cây làm kỷ niệm! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.