Dạo một vòng chợ, mới hay nói thách chính là phương châm bán hàng của dân buôn. Món hàng giá 1 đồng, người bán nói thách lên 5 đồng, khách trả xuống 3, 4 đồng vẫn hớ. Nhưng, nếu nói thách là đặc quyền của con buôn, thì mặc cả, trả giá là quyền của “thượng đế”. Khách có quyền mặc cả, tôi trả nhiêu đó, chị bán thì bán, không thì thôi, tôi mua chỗ khác, thiếu gì!
Ừ thì, trăm người bán vạn người mua! Nhưng mặc cả là một nghệ thuật, sao cho cả món hàng và người đứng ra mặc cả đừng rớt giá, thuận mua vừa bán mới đẹp lòng nhau. Mẹ từng cương quyết từ chối bán cho những cô mặt hoa da phấn, lựa hàng bằng cách bấm móng tay nhọn in đầy dấu lên vỏ chuối, vỏ xoài. Lựa hàng mà như đi… đánh ghen! Lựa xong, họ ép giá xuống còn một nửa. Mẹ lắc đầu. Khách ngúng nguẩy bỏ đi. Mẹ thở dài. Chắc họ tưởng mẹ cũng nói thách.
Sau này, nghỉ bán rồi, mẹ dặn con có mua gì của người nghèo, đừng mặc cả.
Hôm rồi đi chợ, tôi tấp vào xe bán sương sa hột lựu của một chú ở góc chợ. Chú đang có khách, một cô đi xe tay ga láng cóng, móng tay sơn gel xịn sò. “Ba bọc hai chục nha, toàn nước không mà đòi ba chục?”. Chú kiên nhẫn lắc đầu: “Không được cô ơi, tui bán đúng giá, không nói thách”. “Vậy hai lăm nha, mệt ghê!”. Bàn tay đẹp đẽ dằn mạnh tờ tiền lên mặt tủ kính, giận dỗi.
Tôi cũng mua ba bọc, chú chỉ lấy hai lăm ngàn. Tôi ngạc nhiên, bình thường chú bán một bọc mười ngàn rồi. “Con không trả giá như cô kia, nhưng chú vẫn để con giá rẻ, mua bán thiệt tình vẫn hơn con à!”. Tôi từ chối khi chú thối lại tiền. Chú cười, cảm ơn con, khách nào cũng dễ tính như con thì chú đỡ mệt. Chú ngồi suốt buổi, cái nắng mùa hè táp rám da tay, da mặt. Hôm nào chợ ế, chú chạy xe rong ruổi khắp những con hẻm nhỏ. Nắng lên, đá tan nhanh, lại phải tốn tiền mua đá lạnh bảo quản mớ sương sa…
Tôi mang ba bọc sương sa hột lựu về, chia cho sấp nhỏ. Thức quà mát lạnh đơn giản nhưng là niềm vui của mọi người lúc nắng nóng này. Tụi nhỏ hỏi, mẹ mua ở đâu ngon vậy? Chợt nhớ chú nói mình tự tay làm, rồi chở đi bán, lấy công làm lời. Ngày bán cỡ năm chục bọc như vậy, hôm nào ế là tối ăn trừ cơm. Mùa dịch, nhiều lần cả nhà chú phải ăn trừ cơm như vậy.
Tôi khuấy ly sương sa hột lựu, cái màu hột lựu đẹp như màu sơn gel trên móng tay cô khách khi nãy. Bất chợt giật mình tưởng tiếng dằn tay vẫn còn đâu đây. Vài đồng bạc lẻ chỉ đáng một que kẹo mút cho trẻ nhỏ, vậy mà cũng khiến người ta tiếc rẻ với một ông già khắc khổ. Rồi nghĩ ngợi, không biết lúc làm xong bộ móng trong tiệm nail sang chảnh nào đó, cô khách kia có kỳ kèo bớt giá không, hay vui vẻ rút ví boa thêm cho nhân viên vài chục ngàn? Những điều cứ vấn vương trong đầu tôi, từ chuyện mặc cả…
Bình luận (0)