Chúng tôi lớn lên khi đất nước vừa đi qua thời bao cấp, bắt đầu mở cửa thị trường. Khó khăn, cực khổ trăm bề. Nhưng con nít hồi đó phải nói vui chơi hết nấc. Sau mỗi buổi học, tụi tôi thường tụ tập với nhau ra bờ sông chọi đá, ngắm chim bói cá từ trên cao nhào xuống gắp con cá to rồi bay vụt lên trời hay nhìn đàn cò đậu trên ngọn tre cao vút. Nắng dịu, cả bọn đi dọc đường ray xe lửa, hái chùm rụm, cơm nguội, trái keo ửng đỏ mọc tít trên cao, mớ mận rụng hoặc xoài mọc tràn ra ngoài để chia nhau ăn lấy thảo. Tối thì dụm chùm lại chơi u chơi keo hay trốn tìm. Mà gan lắm, cứ chui vô bụi rậm với rừng cây trốn thôi. Lúc ấy chẳng sợ gì ma cỏ.
Bữa nào có tiền, tụi tôi ghé hàng của Gái mua ốc hút cay nhọn mỏ, bánh ít, bò, da lợn, bánh dừa, đậu xanh nướng hay trái cây ăn. Những trái xay nhung đen tuyền, óng ánh sắc vàng, nằm trong rổ tre luôn là sự lựa chọn số một. Gái bán bằng lon sữa bò, đong bỏ trong miếng giấy rồi gói lại như cái bánh ú. Tụi nó thích xay chín, lột vỏ, mút nhè nhẹ, để vị chua chua ngọt ngọt thấm trên đầu lưỡi tê tê. Tôi thích xay non hơn. Quẹt quẹt vô quần, chấm muối, bỏ vào miệng nhai cả vỏ lẫn hột. Cảm giác vị mặn, chua lẫn ngọt, kèm đắng hòa quyện, ngon thấy mấy ông trời. Mấy mươi năm sau, tôi vẫn mê ăn kiểu đó.
Quán của Gái còn có rổ da xanh đỏ chua lẫn ngọt. Mua cái nào Gái múc cái đó vì da kỵ hơi tay, lựa một hồi là dập. Xâu chùm quân đỏ rực, muốn ăn phải dần cho mềm rồi cắn nhẹ rồi hút ruột mềm bên trong. Có bữa còn có trái đỏ (một loại dâu da) bán từng chùm, chua lè lưỡi nhưng chấm muối ớt ăn mê ly. Ghiền nhất là thau hột đác trắng phau, nhai deo dẻo cả ngày không ngán. Đầu hè, hàng của Gái có mớ chôm chôm vàng chua tới óc hay rổ hột sầu riêng luộc lên deo dẻo, nhai sướng vô cùng. Hai thứ này là "đặc sản" của vùng núi rừng Đắk Lắk chở xe xuôi xuống Khánh Hòa.
Hồi đó, đàn ông quê tôi vô rừng sâu ngậm ngải tìm trầm về mong đổi đời, thoát cơn nghèo khó. Người ta gọi là đi núi địu. Nhưng rừng thiêng nước độc, cọp beo rẫy đầy, đâu phải ai cũng tìm được trầm hương mà toàn vẹn trở về. Nhiều người chịu không nổi, nên chuyển hướng đi hái xay, hái da, hay chặt hột đác mọc ở bìa rừng về đốt cho lớp vỏ bên ngoài bung ra, ngâm nước cho nở với trắng ngà rồi mang ra chợ bán. Nhờ thế mà chúng tôi có cơ hội thưởng thức đặc sản của núi rừng trùng điệp.
Quán của Gái giờ chìm sâu vào dĩ vãng. Tụi tôi lớn hết cả rồi, đi viễn xứ khắp nơi. Con nít thời nay đủ mặc, dư ăn, không tằn tiện chia nhau mớ trái cây chua lè như tụi tôi năm cũ. Ở quê, hột đác vẫn là đặc sản. Nhưng trái đỏ, da, keo, cơm nguội, chùm quân biến mất luôn rồi. Mận nhà tôi trồng tới mùa sáng rụng mấy bao, năn nỉ hàng xóm tới hái ăn giùm chứ bỏ uổng mà cũng chẳng ai thèm ngó. Giờ người ta ăn múi sầu riêng, hột thì quăng đi, mấy ai biết cái dẻo bùi của món "đặc sản" thời khó nhọc. Tới mùa, ra chợ vẫn thấy có bán xay. Nhưng thay vì để rổ, đong lon, họ lột vỏ, ngào đường, bỏ hộp, bán theo từng ký.
Bình luận (0)