Nhàn đàm: Nếu mỗi người là một con chồn

15/12/2019 05:00 GMT+7

Nếu ai đã từng xem bộ truyện tranh nổi tiếng Đôrêmon, và sau này là bộ phim hoạt hình Doraemon, hẳn sẽ nhớ rằng chú mèo máy thông minh luôn bị kẻ khác gọi mình là “con chồn xanh lè”.

Trong khi chú mèo luôn kêu gào để thanh minh mình là một con mèo, không phải con chồn, thì những kẻ kia vẫn thản nhiên xem chú là một con chồn.
Đó chỉ là một tình tiết vui nhộn được tác giả cài cắm vào để mua vui cho trẻ con nhưng nếu tinh ý một chút, người lớn sẽ phải giật mình.
Bạn có từng bao giờ nghĩ rằng mình trong mắt người khác sẽ như thế nào? Là một bản sao hay một biến thể khác? Nếu bảo rằng mắt người đối diện như một chiếc gương soi, thì hẳn không phải chiếc gương nào cũng giống nhau. Và nếu bằng mọi cách để hình ảnh của mình hiện ra trong chiếc gương ấy thật hoàn hảo, không trầy xước, biến dạng, không tì vết, thì hẳn rồi, bạn đang biến mình thành một con chồn, chính xác!
Chúng ta luôn được khuyên rằng hãy tự yêu lấy bản thân mình, kể cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm. Thành thật và lắng nghe bản thân mình, sẽ tốt hơn việc phải uốn mình theo mong muốn của người khác. Biết vậy, nhưng đôi khi cuộc sống cùng những sự mưu cầu khiến mỗi người đều muốn tự biến mình thành một con chồn, thay vì là chính mình, trong mắt người khác.
Tôi biết một người, vốn có nhan sắc, lại tinh tế nên được chồng yêu hết mực. Sinh con, cô chỉ ở nhà chăm con, chồng gánh vác kinh tế. Anh chồng vốn quen với sự chỉn chu của vợ, nên lúc nào đón anh về, cô cũng thật tươi tắn, xinh đẹp. Lúc nào đối đãi với chồng, cô cũng cười thật tươi, hầu như không hở ra một lời phàn nàn hay than vãn. Anh không hề biết rằng cô đã phải dặm phấn thật dày để che đi quầng thâm mắt những đêm mất ngủ vì chăm con. Mái tóc dài của cô sau lần sinh cũng rụng nhiều, nhưng cô cũng quyết giữ lại, không có ý định cắt ngắn cho gọn gàng. Chỉ vì anh thích vợ để tóc dài. Thế thôi. Khi cô bất ngờ nhập viện vì suy nhược và có dấu hiệu trầm cảm, anh chồng mới giật mình. Anh mở camera giám sát trong nhà xem lại, thấy vợ phải gồng mình chăm con, cho con ăn, biến mình thành con mèo con chó làm trò dỗ con nín khóc, nấu ăn, giặt giũ… Thế nhưng, khi chồng về là vợ phải lao vội vào nhà tắm, dặm phấn, tô son, chải tóc, thay quần áo… Anh chồng đã khóc khi xem lại camera. Tôi không lấy làm lạ, nhưng chỉ ước gì cô vợ đã kịp dừng lại trước khi mọi việc rơi vào bế tắc.
Lần nọ, tôi tò mò khi thấy chị sếp cũ chia sẻ một bức ảnh trái táo cắn dở đặt trước chiếc gương trên mạng xã hội. Thoạt nhìn, nó giống biểu tượng trái táo cắn dở của hãng điện thoại danh tiếng. Nhưng khi nhìn kỹ lại mới thấm thía. Trái táo được đặt trước gương, hình chụp trực diện cho thấy mặt trước nham nhở của trái táo, nhưng trong tấm gương phản chiếu lại là mặt sau của trái táo vẫn đỏ mọng, tươi nguyên đến phát thèm.
Tấm ảnh đơn giản nhưng lại nhiều ám ảnh bởi tầng ý nghĩa mà nó bao phủ. Cũng như chi tiết gây cười của nhân vật truyện tranh nhưng lại ẩn dụ biết bao điều.
Cuộc đời này, mấy ai đủ ngây thơ và trung thực như chú mèo máy khi cố kêu gào lên chứng tỏ mình là mèo máy. Chắc là có đấy, nhưng rất ít.
Ai cũng muốn mình thật tốt đẹp trong mắt người khác, mặc kệ cái giá phải trả đôi khi là sự héo úa mục nát bên trong.
Tự hỏi, sao ta lại muốn thành một con chồn, để làm gì?
Thật khó để trả lời!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.