Nhàn đàm: Ngày hôm nay, ta được sống

05/04/2020 07:10 GMT+7

Một đối tác khá thân của tôi, người Ý, kể qua tin nhắn rằng, anh ấy đã mất một vài người thân, bạn bè trong đợt dịch bệnh này.

Mọi thứ thật quá khủng khiếp. Chẳng biết khi nào thì tới lượt tôi nữa! Câu nói như một sự hoảng sợ ấy, bằng thứ ngôn ngữ quốc tế, khiến cho tôi chỉ muốn bật khóc vì xa xót. Thương cho tất cả chúng ta.
Những ngày này, tôi, cũng như nhiều người xung quanh, đa phần là ở nhà. Không di chuyển, chẳng mua sắm, làm việc, ăn uống, giải trí… gói gọn trong ngôi nhà phố hoặc căn hộ chung cư của mình. Xăng rẻ, nhưng chúng ta đã bớt đi lại. Xe cộ ít lưu thông thì lượng khí thải sẽ giảm. Rạp phim, quán cà phê máy lạnh đóng cửa; thì điện, nước bớt, và bớt hiệu ứng nhà kính. Đường phố vắng tanh, lấy đâu ra bụi bặm, kẹt xe, rồi tiếc nuối vì mất thời gian vô ích. Ai nấy đều tự nhiên sống chậm lại, có thời gian để ngoái nhìn, thay đổi, làm một số việc mà bấy lâu toàn “đợi lúc nào có dịp”. Đôi khi chỉ là đọc thêm vài cuốn sách, dọn lại cái tủ quần áo quá đầy, lau dọn phòng thờ hay trồng vài thùng rau mầm rau cải ở ban công.
Một ai đấy nói rằng, không cần cứu trái đất, chỉ cần cứu con người khỏi các thói quen tai hại, vội vàng, công nghiệp đã “ăn vào máu thịt” là đủ. Trái đất sẽ tự điều chỉnh. Giờ, tất cả đều như khựng lại, tạm nghỉ, từ kinh tế, xã hội, người ta đi làm bớt ngày, chuyển sang trực tuyến, từ xa. Bao năm đi làm tích cóp, thì nay là lúc mình cho phép bản thân được nghỉ ngơi đôi chút, lấy lương khô ra dùng. Sao cứ phải lăn lộn với ý nghĩ, năm nay vậy là “tiêu” rồi, chẳng kiếm thêm được mấy. Chúng ta có thực sự cần nhiều thế không? Quần áo, vật dụng, tiền bạc, giao thiệp, ra đường?
Anh họ tôi, làm kế toán trưởng ở một cảng cách xa thành phố hơn hai giờ ô tô đã chia sẻ rằng, hóa ra mọi thứ cũng nhẹ nhàng thôi. Tuần một, hai ngày đến cơ quan. Còn lại thì tập thể dục xong lại bắc thêm giàn cho khổ qua với mướp. Hằng ngày chỉ cần chút đồ ăn, bột giặt, xà bông tắm gội, là đủ. Thêm mấy cuốn sách, bộ cờ vua, mớ bút chì màu. Tỉ mẩn chơi với con gái nhỏ. Đứa trẻ mà, bình thường nhiều năm nay chỉ được gặp bố vào hai ngày cuối tuần… Tiền bạc hay sự nghiệp, cuối cùng thì cũng là quay về ẩn náu dưới mái nhà mình.
Con trai nhỏ của tôi, mười một tuổi, buổi tối thường bày tỏ sự lo âu của mình với mẹ. Tôi đã động viên trấn an thằng bé bằng một câu chuyện tưởng tượng. Rằng rất nhiều năm nữa, con sẽ móm mém rụng gần hết răng, ngồi hỉ hả kể với đám cháu cố của mình rằng: Hồi đó, lâu lắm rồi nhen, ông cố đã nghỉ một cái tết thiệt dài, ở mãi trong nhà. Các cháu không thể nào hình dung được đâu… Tôi cố bắt chước giọng của một ông già, đủ để khiến cho một đứa trẻ yên tâm mà bật cười vui thích vì ngộ nghĩnh.
Bạn có ổn không? Thay vì khốn khổ bức bối hoặc sợ hãi quá mức, thì sao không nghĩ rằng, mình vẫn đang ở trong những ngày bình thường, chỉ là khác với khái niệm “bình thường” trước đây chút. Dịch bệnh dạy chúng ta bài học lớn, là trân trọng mỗi giây phút sống, mỗi nhịp thở của chính mình. Cũng là một trải nghiệm trong đời. Nói có phần “vĩ mô” thì chúng ta đang sống trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử. Và lịch sử thế nào, có lạc quan, mạnh mẽ để an lành bước qua, sẽ do chính mỗi người chúng ta góp phần viết nên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.