Vậy mà khi đèn cài dây an toàn được bật sáng, tiếp viên trưởng thông báo máy bay sắp hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, tim tôi đập thình thịch, lòng trỗi lên niềm hân hoan vô bờ bến. Tôi nhoài người nhìn ra cửa sổ. Chút nữa thôi, tôi sẽ chạm chân vào mảnh đất quê nhà, để không khí đất trời xứ sở lẫn trong từng tế bào nhỏ bé, theo dòng máu nóng chảy tràn khắp cơ thể mình.
Khác với Ninh Hòa là nơi chôn nhau cắt rốn, TP.HCM không phải là quê, cũng chẳng là nơi tôi gắn bó suốt thời tuổi trẻ. Tôi cũng chưa có cơ hội vào đó học hành, thi cử bởi đã rời Việt Nam năm 18 tuổi. Nhưng TP.HCM là miền nhớ khôn nguôi trong quãng đời viễn xứ. Đó là nơi đầu tiên đón tôi háo hức trở về, nơi cuối cùng quyến luyến tiễn bước tôi đi; nơi bạn bè đang tất bật với cuộc sống mưu sinh, học tập. Và trên các ngả đường dọc ngang thành phố, chỗ nào cũng in đậm hình ảnh của những mối tình xuyên đại dương, rất cũ, của tôi.
Nếu hồi trai trẻ, tôi đi nhiều quán cà phê ở Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh hay quận 5, 6, 10, 11. Từ hệ thống Tuấn Ngọc, tới Tưởng Niệm nằm chen chúc trong khu mộ cũ, vừa uống vừa run. Hay Yesterday chơi nhạc ngoại, rồi Window, Sỏi Đá, Thềm Xưa, Huyền Thoại, Napoly và đặc biệt là Khúc Ban Chiều thơ mộng. Rồi ốc bờ kè kênh Nhiêu Lộc, ốc Q.4, đồ ăn vặt Võ Văn Tần, Bún Ta, cơm tấm phố Tây... Mấy quán này hầu như đóng cửa hết rồi, chỉ còn trong ký ức thanh xuân.
Tôi giờ có tuổi, cũng ngại đổi thay. Đi cà phê hay ăn uống chỉ quanh quẩn ở Q.1, Q.3, gần khách sạn cho tiện.
Mấy quán cà phê đối diện Nhà thờ Đức Bà là nơi tôi ngồi nhiều nhất. Từ Highlands bên hông tòa nhà Metropolitan gần 20 năm trước, đến Coffee Bean, NYDC, PhinDeli, Saigon La Poste và gần đây nhất là Mellower. Đó là góc phố đẹp và đặc trưng nhất Sài Gòn. Bất kể giờ nào trong ngày, xe cộ, người ta, du khách luôn đông đúc. Thỉnh thoảng đang ngồi, tự nhiên thấy người quen hơn chục năm không gặp. Thế là kêu lại chuyện trò rôm rả. Buồn cái là các quán cà phê giờ đều đóng cửa và mấy cô hàng rong dọn đi đâu hết. Từ ngày một ngân hàng to thế vào, tôi cũng ít đi ngang qua.
Góc Hai Bà Trưng và Lê Thánh Tôn cũng gắn bó với tôi cả chục năm. Hầu như lần nào về tôi cũng ở khách sạn sát bên. Mỗi sáng thức dậy, thong thả đi bộ, cô bán bánh tai yến trước cửa đã móm mém hỏi: "Mới về hả cậu? Khi nào lại đi?". Qua bên đường có ly nước mía 10 ngàn to tổ bố. Rẽ phải, gặp ngay hẻm ăn vặt nổi tiếng. Tôi mê mì bò ở đây vô cùng. 35 ngàn một tô ắp đầy thịt thà, rau củ. Đi chút sẽ gặp chú hớt tóc, ráy tai quen thuộc. Thêm gánh trái cây gọt sẵn 20 ngàn/hộp với gói muối tỏi không nơi nào có. Đêm muốn nhậu thì ngồi trước khách sạn của tôi, hay qua quán bên cạnh mở tới sáng có cái tên hết sức cải lương: "Dốc sương mù".
Thỉnh thoảng ngang qua công viên trước Dinh Độc Lập, bao hồi ức ùa về. Thuở đôi mươi, hầu như sáng chủ nhật nào bọn tôi cũng hẹn ra đây, ngồi bệt trên vỉa hè, uống cà phê, bánh mì, hát hò vui vẻ. Tuổi trẻ trôi qua nhanh quá.
Thỉnh thoảng, tôi hay đi dọc đường Phùng Khắc Khoan rợp hàng me yên tĩnh. Ba mươi năm trước, vô ở trọ nhà người quen làm giấy tờ, tôi bảo đó là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Giờ tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Starbucks Đông Du (đã đóng cửa rồi) cũng là nơi hay hò hẹn. Tôi ngồi chỗ ấy cả trăm lần và viết mấy truyện ngắn khi ngóng phố. Đi dọc mấy con đường nhỏ, ngang qua Đồng Khởi, hay ngồi uống cà phê vỉa hè ở Mạc Thị Bưởi, Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế... thích vô cùng. Gió lồng lộng từ bờ sông thổi vào làm dịu đi cơn hầm hập của phố xá giữa ngày hè nắng nóng.
Những chuyến trở về vội vã của tôi không dư dả thời gian để đi nhiều ngóc ngách như xưa. Thôi thì cứ giữ thói quen cũ, đi tới những nơi mình thấy thoải mái và bình yên nhất. Rồi khi quay trở lại xứ người, mỗi đêm trước khi lên giường ngủ, tôi thầm ước, sáng hôm sau thức dậy, mở mắt thấy Sài Gòn.
Bình luận (0)