Nhàn đàm: Tết còn ở lại tháng giêng

20/02/2022 08:30 GMT+7

“Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Nhưng quê tôi, sau tết vẫn là những ngày bận rộn, khi ấy nhiều đám mạ chưa được nhổ, nhiều chân hốc sắn dây chưa được tản, nhiều ruộng hành, tỏi chưa được thu hoạch.

Có khi mùng 2 tết người dân đã ra đồng làm nốt những công việc trong năm còn dang dở cho kịp thời vụ, kịp tháo nước vào ruộng để cấy vụ lúa chiêm.

Khi ấy trời rét ngọt, mẹ tôi cắt nửa cái bánh chưng mang ra đồng. Đấy là bữa trưa của mẹ con tôi. Hành tỏi được nhổ, những bó củ tròn căng xếp đều tăm tắp trên mặt luống, mùi hăng đặc trưng của hành tỏi tươi xen lẫn mùi hoai của rạ mục và đất ẩm. Ngồi trên mặt luống đất, dùng đôi tay đầy nhựa cỏ bóc bánh chưng ăn rồi nằm ngay lên bờ ruộng chợp mắt ban trưa. Cánh đồng im vắng, mưa xuân lây rây rồi buổi chiều hôm ấy chất đầy hành tỏi lên xe. Người làng tôi kéo cả mùa xuân về nhà.

Quê tôi thường gói bánh chưng thêm một hay hai lần nữa vào tháng giêng. Khi ấy mẻ bánh tết đã hết. Ngày tết nhiều thịt thà bánh mứt nên bánh chưng cũng bị ngó lơ. Nhưng qua rằm thì khác, trời lập xuân, nhà nào còn gạo nếp cái hoa vàng, còn đậu xanh, còn mua được xâu thịt ba chỉ thì gói bánh chưng lần nữa. Thường những gia đình đó đều khá giả, bánh chưng mới là niềm ước ao của đám trẻ con trong làng.

Tháng giêng, trong buồng của nhà nào có con gái lớn sẽ có áo trắng được đem giặt nước mưa, là phẳng phiu. Các chị diện áo đi tập hát để chuẩn bị cho hội làng vào độ tháng ba đấy. Đôi tay lam lũ được chà khế, chà chanh cho trắng trẻo, hòn đá xi măng kỳ cọ gót chân nứt nẻ vì mùa đông, vì bùn đất. Trong đám tập hát, anh trai trong đám cờ người với chị gái giữa nhóm hát chèo trao nhau ánh mắt, vụng trộm nắm tay nhau khi ra khỏi cổng đình…

Bạn đã bao giờ được thưởng thức bánh lòng chưa. Chẳng kén một cái tên mỹ lệ, tên bánh mộc mạc mới hợp với đồng đất quê nhà. Gạo nếp đi nổ bỏng, gạo được quay nóng trong quả nổ, khi quả nổ được tháo chốt tất cả bỏng nếp sẽ bay ra. Bỏng ấy đem nghiền nhỏ rồi mang về. Thịt nạc kho khô, mứt bí mứt dừa, vừng rang, lạc rang giã dối. Đường hoa mai được nấu với gừng giã nhỏ, khi nước đường còn ấm thì trộn tất cả nguyên liệu cùng bỏng gạo rồi từ từ rót nước đường vào. Nước đường vừa đủ để kết dính thì lấy khuôn ép bánh. Miếng bánh chắc tay nhưng không ướt, nhân bánh dẻo nhưng vẫn mịn khô. Ngày xuân, mưa phùn lây rây, nhấp ngụm trà nóng, thưởng miếng bánh lòng - ông tôi thường tấm tắc khen đó là món bánh ngon nhất trần gian…

Tháng giêng, hoa xoan nở tím biếc, hoa bưởi, hoa chanh thơm nức vườn xuân. Nói cho thật đúng thì tháng giêng là tháng nông nhàn. Nhà nông được nghỉ ngơi sau mùa vụ hối hả. Đàn ông ngồi bên bàn trà, rít điếu thuốc lào. Đàn bà đi chợ chọn vải may áo mới, người già ngồi đan len, têm trầu bên hiên nhà. Trẻ con đánh đáo, chơi chuyền, chơi ô ăn quan trong sân. Đàn gà đi qua vụ đông rét mướt… Đấy là tất cả những hình ảnh bình yên, nhàn nhã nhất của nông thôn.

“Qua giêng hết năm, qua rằm hết tháng”. Dòng chảy thời gian vần vũ, tháng giêng như một quãng nghỉ ngắt những ngày vất vả lam lũ ra thành một quãng khác để nhà nhà được thảnh thơi, để nhìn nhận lại vui buồn năm cũ, sau đó lại bắt đầu “trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.