Nhàn đàm: Tháng năm, mùa lúa chín…

15/05/2022 08:30 GMT+7

Ấy là khi rơm gánh hoặc chở về phơi tràn đường quê, xe máy chạy qua, người ngồi sau chẳng thể nào với chân ra trước để gạt.

Vậy là người ở trước vừa gạt vừa len qua những chặng đường làng ngắn ngủi. Hình ảnh ấy, khi vào vụ mùa ở miền Trung nhiều lắm.

Mùi rơm tháng năm, của vụ xuân - hè là mùi no đủ. Nhớ ngày còn niên thiếu, mỗi mùa lúa khi rơm đã phơi khô, tôi thường bắc thang chống lên chiếc cột mít đã chôn sẵn ngoài vườn leo lên, ba tôi cầm chiếc mỏ xảy (một loại chỉa đôi để lùa rơm) xóc vào từng đám rơm vàng ruộm, nâng lên đặt dần vào gốc cột. Từng lớp từng lớp. Cao dần cao dần. Tôi ôm chiếc cột chân giẫm vòng quanh. Ở quê tôi, động tác nhịp nhàng ấy giữa người nâng rơm lên và người đạp rơm cho chặt lại, người ta gọi là xây rơm.

Những cây rơm trong những thửa vườn, chạy dài theo hai bên đường khi nhìn qua cửa xe dọc dải đất miền Trung. Thuở ấy, đó không chỉ là thức ăn cho trâu bò mùa đông tháng giá, mà còn là nắm bùi nhùi nhen bếp lửa hồng khi mưa dầm gió bấc. Không chỉ là để bện chiếc nón che đầu buổi nắng buổi mưa, mà còn là vật liệu để đánh con cúi lửa âm ỉ ngún cháy suốt đêm, lỡ khi cái bật lửa không còn viên đá lửa. Không chỉ là chiếc đệm rơm ấm nồng cho lũ trẻ người già, mà còn là nơi dú những nải chuối, trái thơm trái mít. Moi lỗ nhỏ ở một góc cây rơm, bỏ trái cây đang hườm vào trong ấy, dú một hai hôm sau là chín. Dú kiểu ấy không hề ép uổng bởi hóa chất hoặc các loại mà người ta thường hay dùng đến là khí đá, hàn the. Gọi là dú sạch, và chín đều mỗi trái, mỗi múi. Khi phủi những sợi rơm còn vương vất vàng óng, bóc ra ăn, nghe như thoảng mùi ruộng đồng quyện lấy vị ngọt vườn tược mùa hè. Đó là món hấp dẫn với lũ trẻ ngày xưa. Dú và giấu, đừng cho ai biết, lâu lâu lại vạch lỗ rơm hé dòm. Để nghe mùi trái chín và nếu có san sẻ với đám bạn bè cùng trang lứa thì cũng giữ lại cho mình một ngăn bí mật ở gốc cây rơm. Để tự vui vui một chút!

Mùa lúa chín, lúc những đám ruộng gặt xong, giấu dưới lớp bùn ấy bao nhiêu thứ cá tôm, tép đồng hay đám chim bay lượn trên trời sà xuống sa bẫy. Ngày thơ ấy là vậy, sau này nghe một câu nhạc Trịnh trong bản Ru ta ngậm ngùi, chợt giật mình vì sự cảm nhận vô cùng tinh tế mà thanh thoát của ông: “Đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong…”. Đó là khi nhà nhà sửa soạn cúng cơm mới, tụ họp mừng vụ mùa no ấm, lúc ấy thì những thửa ruộng trơ gốc rạ, ngoài đồng thinh không vắng vẻ lạ thường. Không còn nón trắng nhấp nhô, không tiếng hò khoan lan dài theo từng tay liềm tay hái. Và một thời gian, để cho ruộng nghỉ ngơi, sinh thể trong đất lại hợp quần đêm ngày với bao sinh thể bay đến từ trời, vắng bóng người suốt cả dải bờ chân rạ.

Lúa vào bồ vào bao, chất ở góc nhà hay bên chái hè, che chắn đậy đằn kỹ lại. Ấy là lúc gia chủ an nhiên hay phập phồng tùy theo giá lúa, giá gạo với những tính toán sách vở áo quần, cưới hỏi giỗ chạp và muôn thứ nhờ vào giọt mồ hôi bao ngày tháng lăn lộn, chân lấm tay bùn.

Bây giờ cũng đã vào tháng năm, mùa lúa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.