Nhớ ngày thơ ấu, tiếng đạn bom rền vang khắp chốn. Trong ngôi nhà nhỏ bên hông trường Trung học Bồ Đề (bây giờ là nơi lưu dấu chứng tích chiến tranh), mẹ tôi chưa có đêm nào yên giấc vì phải thức canh để lùa lũ con xuống hầm tránh pháo. Tôi và nhiều bạn cùng thời ở thị xã Quảng Trị cũng thế, ăn ngủ dưới hầm ngày đêm là điều không thể tránh khỏi. Cho đến nhiều năm sau, mùi đất ẩm của căn hầm như vẫn còn vương vất trong tâm tưởng. Rất nhiều đạn pháo cũng rơi xuống dòng Thạch Hãn, mới biết sông đã gánh chịu cho bao gia đình cảnh tai ương máu đổ.
Những ngày cuối năm 1971 qua vội, sau mấy tháng ác liệt của một chiến dịch do quân đội Sài Gòn và một lực lượng lớn quân đội Mỹ tiến hành ở vùng núi rừng phía tây Quảng Trị, người ta thường gọi là chiến dịch Hạ Lào. Một chiến dịch thất bại với quân số tổn thất nặng nề. Hai hình ảnh tôi còn nhớ mãi, đó là những người lính của quân đội Sài Gòn thất trận đu càng máy bay trực thăng về từ vùng biên giới, dưới khối đen của chiếc trực thăng và cánh quạt ầm ĩ, họ như những chiếc lá trước ngọn gió mạnh, hình dung có thể rụng xuống bất cứ lúc nào. Hình ảnh thứ hai là mỗi buổi chiều sau giờ tan học, tôi cùng đám bạn chạy lên con dốc đứng ở lề đường, qua hàng rào nhìn vào khuôn viên Bệnh viện thị xã Quảng Trị, nơi đó những chiếc trực thăng tải thương thi nhau lên xuống ở vài sân đỗ dã chiến. Bóng áo trắng liên tục vác băng ca chạy lốc xốc dưới sức mạnh của cánh quạt ầm một góc trời. Những ngày ấy, mẹ thường dắt tôi theo đi thắp nhang ở ngôi chùa Tỉnh Hội, ngày càng thấy rất đông người đến cầu nguyện. Tiếng chuông vọng xuống mặt nước sông lan dài theo những con sóng vỗ bờ, dường như vọng cả vào lòng thuyền ngư phủ.
Dòng sông ấy đã là chứng nhân cho một cuộc chiến vô cùng khốc liệt mùa hè 50 năm trước. Sông đã gồng gánh, ấp iu nâng đỡ hàng ngàn anh linh ngã xuống. Nếu như dòng Bến Hải cách đó khoảng 30 km về phía bắc một thời phải gánh chịu nỗi đau chia cắt, thì sông Thạch Hãn là chứng nhân cho cuộc chiến ác liệt, để rồi từ đó nảy mầm hy vọng một ngày thống nhất non sông, để cho khát vọng hòa bình thành hiện thực!
Một ngày mùa hè năm 2002, sau 30 năm tôi có dịp trở lại thăm thị xã Quảng Trị. Buổi sáng, người bạn ở đây cùng tôi đi bộ vòng theo bờ tường thành cổ. Trong tiếng chuông chùa vọng lại, mùi nhang trầm thoang thoảng không gian, tôi đề nghị bạn cùng đi ra phía bờ sông. Lúc ấy, hồi tưởng lại thời thơ ấu ở mảnh đất này, thấy vô cùng thấm thía giá trị của những ngày không tiếng súng.
Và từ đó, trong tôi bật ra những dòng thơ tặng dòng sông của tuổi thơ yêu dấu: Tôi cúi đầu trước dòng sông cuộn chảy/Thạch Hãn ngày về soi bóng mây bay/Trong ngàn gió những linh hồn trú ngụ/Xào xạc cỏ lau, níu những bàn tay...
Bình luận (0)