Cây gạo cổ thụ, cây đa già, lộc vừng, phượng vĩ… nhiều năm tuổi, người ta kính cẩn, trang trọng gọi là “cụ”, như những bậc cao niên trong thế giới con người. Thời gian mang đến cho cây một thế giới tâm linh lạ lùng, không kém phần kỳ bí, nhưng cho dù có mang dáng vóc nào đi chăng nữa, thì cây vẫn gắn bó với thế giới con người. Tôi nhớ một câu thơ của ai đó (khuyết danh), bắt gặp khi lang thang trên mạng, đọc mà cứ mủm mỉm cười rồi lại nghĩ lan man về cuộc sống nhiều dâu bể: “Có cụ đa già ôm bến nước/Nghiêng vai thầm chứng bao chuyện tình”…
Vậy đó, cụ đa, cụ mộc miên, cụ lộc vừng… mỗi cụ ở một địa phương, một mảnh đất riêng, chứng kiến những chuyện tình, chuyện đời riêng, nhưng có lẽ chỉ có “cụ phượng” mới rưng rưng với tuổi học trò đến vậy. Vì từ bao giờ, phượng vừa gắn với mùa hè, vừa được chọn trồng trong các khuôn viên nhà trường. Dưới bóng phượng, bao lứa học trò đến rồi đi, để lại bâng khuâng bao kỷ niệm. Những cánh phượng được ép vào trang vở, đi vào văn chương, thơ ca, nhạc, họa… và tâm hồn con người, như ghi dấu một thời tuổi trẻ đầy khát vọng, yêu thương.
2. Chuyện người ta hối hả chặt bỏ cây phượng vĩ sau một tai nạn thương tâm, cây đổ giữa trời quang mây tạnh dẫn đến cái chết tức tưởi của cậu bé học trò đang dấy lên trong mùa hè này bao “nỗi buồn hoa phượng”. Liệu còn ai trồng phượng non, ai giữ phượng già? Câu chuyện có phải vì một cái cây mang tên phượng?
Cũng có người nói rằng, nếu chỉ tiếc “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”, tiếc “phượng hồng là hoàng hậu đó” (lời những bài hát mà nhiều người thuộc), thì đó là một tư duy cảm tính. Chặt bỏ có cái lý của chặt bỏ, nếu cây mục ruỗng. Còn khi bị chặt bỏ lúc đang “xuân”, thì nỗi đau đâu phải chỉ mình cây. Người ta trồng một cái cây luôn không phải là chuyện vô tình. Huống hồ, cây nào mục ruỗng, mục ruỗng vì đâu?
Những vỉa hè bê tông hóa, sân trường bê tông hóa, những bộ rễ phượng không đủ nâng giữ cây dù hoa vẫn nở, lá vẫn xanh, để rồi tiềm ẩn nguy cơ. Bài học môi trường lúc này cần hơn tất cả sự tranh cãi, kết tội cây hay người. Rõ ràng dưới lớp bê tông, các rễ cây khó phát triển. Cái cây sẽ “dễ chịu” hơn khi trên bề mặt của nó là cỏ, là đất, là nước của các dòng sông...
3. Một cái cây cần được “hiểu” như con người vậy. “Xin đừng động vào cây mùa lá rụng” không phải chỉ là câu thơ về tình đời của Olga Berggoltz, mà đó là tấm biển thật treo ở những đại lộ Moskva (Nga) vào mùa thu.
Và một cái cây tồn tại không chỉ vì chính nó. Nhớ mùa hè năm trước, một lần đến thăm nước Đức, nơi thiên nhiên được chú trọng bảo vệ bằng cả tình yêu và khoa học, chúng tôi dừng chân trước một bìa rừng với tấm biển được dịch là “Cấm vào, vì hiện đang là mùa chim làm tổ”. Anh bạn kể với tôi rằng, ngay cả khi một cái cây lớn mọc trong sân nhà bạn, là cây của bạn, bạn muốn cưa đổ nó để xây nhà cũng phải xin giấy phép, và người ta sẽ đến xem xét cái cây, nếu trên cây có một tổ chim, bạn cũng chưa được chặt bỏ, mà phải chờ khi nào chú chim dọn sang “nhà” mới… Nghĩa là, dù vì lý do gì khiến người ta không cần đến cây nữa, cây vẫn phải sống phần trách nhiệm của nó cho một môi trường xanh.
Bình luận (0)