Báo The New York Times mới đây dẫn lời một số cựu quan chức Mỹ và các chuyên gia quân sự nhận định đạn chùm chỉ giúp lực lượng Kyiv tạm thời khắc phục tình trạng thiếu hụt đạn pháo.
Theo nhà nghiên cứu Jack Watling, thuộc Viện RUSI ở London, đạn chùm chỉ có "quy mô ảnh hưởng khiêm tốn" và giúp pháo binh Ukraine "tăng độ sát thương đôi chút". Ông cho rằng tác động thực chỉ xảy ra khi "Ukraine có nhiều đạn dược hơn đáng kể". Còn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho hay đạn chùm chỉ giúp Ukraine "duy trì cuộc chiến pháo binh trong tương lai gần".
Quyết định cung cấp đạn chùm giúp Ukraine có thêm thời gian thăm dò, tìm chỗ yếu trong các tuyến phòng ngự Nga để tìm cách đột phá. Cũng nhờ nguồn cung cấp đạn mới mà quân đội Ukraine có thể quay về với chiến thuật quen thuộc kiểu Xô Viết là bắn hàng nghìn viên đạn pháo mỗi ngày để bào mòn hệ thống phòng ngự.
Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi có phải Kyiv đã không còn tin tưởng vào các chiến thuật hiệp đồng chiến đấu mà 9 lữ đoàn mới đã được phương Tây huấn luyện trong thời gian qua hay không.
Nhiều quan chức cấp cao Mỹ trong những tuần gần đây đã kín đáo bày tỏ bức xúc vì một số chỉ huy Ukraine, sau những tổn thất ban đầu, đã quay về với cách dội mưa pháo thay vì dùng chiến thuật phương Tây.
Mỹ thúc giục Ukraine quyết tâm đạt đột phá quan trọng trong chiến dịch phản công
Theo The New York Times, chính phủ Tổng thống Joe Biden vẫn hy vọng 9 lữ đoàn Ukraine được Mỹ và đồng minh huấn luyện sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật mới - như hiệp đồng chiến đấu và binh chủng hợp thành - và thể hiện rằng "cách thức chiến đấu Mỹ" có ưu thế hơn.
Ông Kahl nhận định cách đánh mới sẽ buộc quân đội Ukraine phải "rời khỏi vùng quen thuộc". Vị quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận cuộc phản công của Ukraine "chậm hơn hy vọng" nhưng khẳng định "Ukraine vẫn còn nhiều sức mạnh chiến đấu" khi phần lớn trong số 9 lữ đoàn mới chưa được ra trận.
Giới chức quân đội Mỹ và Ukraine đều từ chối cung cấp chi tiết về cách Kyiv sẽ sử dụng đạn chùm. Mỹ sẽ cung cấp loại đạn chùm được bắn từ pháo 155 mm, mỗi viên đạn chứa 72 đạn con được rải ra phía trên mục tiêu.
Ông Rob Lee, một chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, cho rằng Ukraine có lẽ sẽ dùng đạn chùm gần những đoạn tiền tuyến mà bộ binh khó tấn công để giảm nguy cơ cho lực lượng của mình.
Ông Mark F. Cancian, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cũng nhận định: "Đạn chùm sẽ không chỉ cung cấp đủ đạn để Ukraine tiếp tục pháo kích cường độ cao, mà còn cung cấp một loại đạn hiệu quả hơn chống các mục tiêu như bộ binh, pháo binh và xe tải".
Đạn chùm đã bị hơn 110 quốc gia cấm theo một công ước của Liên Hiệp Quốc vì mối nguy hiểm chúng gây ra cho dân thường. Đạn con có thể không phát nổ ngay, nhưng vẫn gây thương tích hoặc giết chết dân thường trong nhiều năm rất lâu sau khi xung đột kết thúc.
The New York Times cho rằng cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng đạn chùm trong xung đột. Tổng thống Vladimir Putin phủ nhận việc Nga đã sử dụng bom chùm, nhưng nhấn mạnh rằng nếu Ukraine sử dụng loại vũ khí này, Nga sẽ đáp trả tương xứng.
Đạn chùm Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine uy lực ra sao?
Bình luận (0)