Nhận diện an ninh khu vực qua Đối thoại Shangri-La

02/06/2017 07:01 GMT+7

Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên khai mạc hôm nay, 2.6, tại Singapore được chờ đợi như câu trả lời về tương lai khu vực trong bối cảnh mới.

Đối thoại Shangri-La (SLD) quy tụ bộ trưởng và quan chức quốc phòng cao cấp của hàng chục quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương lẫn châu Âu, như một cơ chế bán chính thức song song với Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+, gồm 10 nước ASEAN và 8 đối tác đối thoại). Không như ADMM+ nặng tính “tập thể”, SLD tạo cơ hội cho các quốc gia được tuyên bố rộng rãi trước thế giới chính sách quốc phòng của mình. Diễn đàn ra đời năm 2002 này vì thế từ nhiều năm qua đã trở thành một sự kiện được các nhà quân sự, chuyên gia quốc phòng, giới nghiên cứu cũng như ngoại giao quan tâm đặc biệt.
Đơn vị tổ chức là Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết SLD thứ 16 này quy tụ đại biểu từ hơn 50 quốc gia, hơn hẳn con số trên 30 quốc gia năm 2016.
Tâm điểm an ninh biển
Cũng như nhiều năm trước, an ninh Biển Đông và biển Hoa Đông chưa bao giờ ngừng nóng trên diễn đàn SLD. Nhưng tại SLD 2017, sự quan tâm trở nên đặc biệt bởi những biến chuyển khốc liệt trong vòng gần 1 năm qua. Trên biển, việc quân sự hóa các đảo tranh chấp và đảo nhân tạo ngày càng cấp tập và lộ liễu, nguy cơ xảy ra va chạm, thậm chí là không cố tình, trở nên cao hơn bao giờ hết. Trên mặt trận ngoại giao và quốc phòng, chính sách, hay ít nhất là thái độ, của nhiều quốc gia có sự điều chỉnh lớn. Đáng nói nhất là những động thái của tân chính phủ Mỹ, quốc gia từ lâu đóng vai trò trụ cột bảo an cho khu vực.

Ngày 23.5, trên báo The Straits Times (Singapore), giáo sư ngành nghiên cứu chiến lược của ĐH Quốc gia Úc Hugh White có bài xã luận tựa đề Đối thoại Shangri-la cần nhìn nhận trật tự an ninh mới ở châu Á, khuyến cáo Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, người sẽ phát biểu dẫn dắt diễn đàn vào tối khai mạc 2.6, cần công khai ghi nhận vai trò đang tăng của Trung Quốc. Sự thiếu vắng những chuyến tuần tra Biển Đông cổ vũ tự do hàng hải của chiến hạm Mỹ từ tháng 10.2016 đến thời điểm xuất hiện bài viết, cùng với những phát biểu nơi này nơi khác của các quan chức Washington, khiến dư luận nghĩ tới “cái chết” của chính sách “tái cân bằng về châu Á” do chính quyền tiền nhiệm theo đuổi.
Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của khu trục hạm USS Dewey trong bán kính 6 hải lý quanh đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đang ra sức quân sự hóa, hôm 25.5 tạo ra một luồng dư luận mới. Báo The Straits Times ngày 28.5 cho rằng nhiều khả năng chính sách an ninh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục như trước hơn là bị cắt bỏ.
Dù vậy, chuyên gia Dana Allin của IISS trong bài viết hôm 1.6 cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis, vốn được đánh giá cao về năng lực, sẽ rất khó khăn để trấn an các quốc gia về vai trò và các cam kết của Mỹ trong khu vực. Giới quan sát cũng lưu ý việc ông Mattis chỉ chính thức nhận lời đến SLD hồi tuần trước, thay vì “hăm hở” từ đầu như những người tiền nhiệm. Ngoài ra, phiên họp toàn thể đầu tiên của SLD sáng 3.6 dành riêng cho ông chủ Lầu Năm Góc cũng được rút từ 50 phút xuống còn 30 phút. Sự chờ đợi các phát ngôn chính thức của Bộ trưởng Mattis tại SLD lần này vì thế trở nên khá kịch tính.

Bên cạnh Mỹ, giới quan sát cũng chờ đợi những tuyên bố mạnh mẽ của Nhật Bản về vấn đề an ninh biển tại SLD lần này. Việc Thủ tướng Shinzo Abe điều chỉnh cách diễn giải hiến pháp cho phép quân đội Nhật Bản tích cực trong các hoạt động quốc tế thực sự đã cởi trói sức mạnh quân sự của nước này. Ấn Độ cũng được tin là sẽ thể hiện vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh khu vực. Trái lại, Trung Quốc chỉ cử Viện phó Viện Khoa học quân sự, trung tướng Hà Lôi, làm trưởng đoàn dự SLD 2017. Và dĩ nhiên nước này không tham gia phát biểu trong các phiên toàn thể. Một chuyên gia Bộ Quốc phòng Singapore không muốn nêu tên bình luận với Thanh Niên: “Bắc Kinh không muốn phát biểu tại SLD vì càng nói càng lộ ra những cái sai, đặc biệt trong bối cảnh đại hội Đảng sắp diễn ra”.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu tại SLD
Đoàn cán bộ quốc phòng VN do trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, dẫn đầu. Ông Hải từng tham dự SLD nhiều lần và thay thế vai trò trưởng đoàn của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, vào phút cuối. VN sẽ không phát biểu tại các phiên toàn thể. Tuy nhiên, thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, sẽ phát biểu trong phiên họp kín bàn về các biện pháp tránh xung đột trên biển.
Đặc biệt, SLD lần này có sự tham gia phát biểu của Tổng thư ký ASEAN
Lê Lương Minh trong phiên toàn thể ngày 4.6 với chủ đề tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề an ninh khu vực. Theo quan sát của Thanh Niên từ năm 2009, đây là lần đầu tiên đại diện ASEAN phát biểu tại SLD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.