Nhận diện các loại tai nạn rình rập con trẻ để phòng ngừa

05/07/2018 09:03 GMT+7

Cha mẹ cần nhận diện các loại tai nạn rình rập con trẻ để có thể phòng ngừa, đảm bào an toàn cho con. Đặc biệt là giáo dục cho con trẻ cách 'tự cứu mình'.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM, cho biết mùa hè trẻ em ở nhà rất dễ gặp tai nạn nếu không có người giám sát. Những tai nạn mùa hè thường gặp nhất là dị vật đường thở, điện giật, phỏng, ngạt nước, rắn cắn, ong chích, ăn - uống nhầm...
Dị vật đường thở
Đa số là do trẻ ăn dưa hấu có hạt dưa, hoặc cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ, thậm chí là cả kẹo mứt… nhất là khi trẻ ăn vừa cười giỡn hoặc khóc. Cách phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hột này hoặc khi ăn phải lấy hết hột ra, không được đùa giỡn, nói chuyện nhiều, tranh giành, chọc phá trong lúc ăn.
Viên bi là một trong những loại trẻ rất dễ nuốt - ẢNH: DUY TÍNH

Nếu trẻ bị dị vật đường thở nhưng còn hồng hào, khóc được, la được, nói được, không khó thở thì cách sơ cứu là nên đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra. Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, cần nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật.
Những việc cần tránh: Đừng can thiệp nếu nạn nhân vẫn còn có thể ho, thở hoặc la, khóc được. Đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển nó nếu không thể thấy được nó, vì có thể dị vật sẽ rơi vào sâu hơn.
Điện giật
Theo bác sĩ Tiến, vừa qua, Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận một trường hợp bé gái 15 tháng tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, bị điện giật. Nguyên nhân là do bé đi chập chững chơi trong nhà, rồi cầm dây điện của quạt đã bị tróc vỏ nhựa nên bị điện giật, khiến bé la khóc, bất tỉnh.
“Trẻ ở nhà nên rất tò mò, khám phá. Do vậy, những chùm đèn trang trí trên chậu cây kiểng, nhang điện, đèn hào quang, đèn nhấp nháy ở các bàn thờ thu hút trẻ đến sờ mó nên dễ bị điện giật. Phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để ở xa tầm với của trẻ. Các ổ điện phải được che kín bằng các nút nhựa an toàn, dây điện bị tróc vỏ phải được dán kín hoặc thay mới…”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Phòng ngừa chung nhất

Luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ và thiết kế trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà quí phụ huynh cảm nhận, ý thức được.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Phỏng
Ở các bệnh viện nhi, hầu như mùa hè nào cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị phỏng. Phỏng do bóc phải các bình nước sôi, nồi canh nóng trên bàn hoặc kéo khăn bàn làm rơi đổ, gây phỏng. Các gia đình cần phòng ngừa bằng cách hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ, tốt nhất có người giữ trẻ để không cho trẻ “phá” và không cho trẻ vào nhà bếp; để xa tầm với của trẻ các đồ vật, thức ăn uống đang nóng.
Ngạt nước
Không chỉ trẻ đi bơi, về quê tắm sông suối bị ngạt nước mà nhiều trẻ còn bị ngạt nước ngay trong nhà mình. Nguyên nhân do một số gia đình có hồ kiểng non bộ trong nhà gần chân cầu thang, trẻ có thể đến đó và té vào hồ. Cũng có trường hợp vào buồng tắm vọc nước, bị té vào xô nước hoặc bồn cầu, gây ngạt nước.
Phòng ngừa bằng cách không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ; xô nước, bồn cầu phải đậy nắp hoặc không chứa nước. Trẻ lớn đi bơi ở sông suối, ngay cả hồ bơi cũng phải có người lớn đi kèm để theo dõi.
Trong tháng qua, Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp bé gái 6 tháng tuổi được mẹ tắm, chẳng may bé bị tuột tay chìm trong thau nước, được vớt lên ngay nhưng bé có biểu hiện khó thở tím tái, gia đình liền đưa đến bệnh viện. Bé được đặt nội khí quản thở máy, điều trị tích cực một tuần mới phục hồi trở lại.
Theo bác sĩ Tiến, sơ cứu ngạt nước tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân.
Cách sơ cứu đúng như sau: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt nạn nhân lên. Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo trong 2 phút rồi đánh giá lại xem nạn nhân có thở lại được không? Môi có hồng không? Có phản ứng khi lay gọi kích thích đau không? Nếu không, phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn hân bằng chăn hay một tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước
Lưu ý, phần lớn người bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não do thiếu ô xy. Các sơ cứu không đúng bao gồm: Bỏ nhiều thời gian cho việc sốc nước; các nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu ô xy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề.
Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.
Uống nhầm, ăn nhầm
Trẻ nhỏ chơi và hay bỏ bất cứ thứ gì vào miệng. Thường gặp là chai trà chanh đựng dầu hôi, cồn xe nhang (rượu methanol), nước tro tàu (dung dịch KOH), thức ăn trộn thuốc diệt chuột, côn trùng, hoặc thuốc an thần, động kinh (phenobarbital, haloperidol,...)...
Phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát; các hóa chất phải để xa tầm với và tầm “thấy” của trẻ.
Ong đốt
Trẻ đi chơi ngoài vườn, chọc phá tổ ong, dễ bị ong bay ra tấn công.
Phòng ngừa bằng cách phát quang xung quanh nhà, giáo dục trẻ không chọc phá tổ ong.
Hầu hết ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Tốt nhất là lấy vòi chích ra bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm; đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu trẻ: nổi mề đay; than mệt, tay chân lạnh; nước tiểu màu đỏ, màu xá xị, tiểu ít; bị ong vị vẽ đốt trên 10 vết.
Rắn cắn
Trẻ ở vùng quê đi chơi ở ruộng đồng, vườn cây, rừng cao su... cần lưu ý để không bị rắn cắn. Phòng ngừa bằng cách tránh sinh hoạt nơi có nhiều rắn rết hoạt động, mang giày cao ống khi vào rừng, vườn cây có nhiều lá khô - nơi rắn chàm quạp thường trú ẩn hoặc tránh leo trèo cây xanh - nơi có rắn lục xanh lưu trú.
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp bị rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
Cách sơ cứu là cho nạn nhân nằm yên, trấn an họ; đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc; rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương; nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Những việc nên tránh khi bị rắn cắn: Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi; không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và làm tăng hấp thu nọc độc; không đắp lá cây không rõ loại lên vết thương, vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng.

Huấn luyện kỹ năng sống, tự cứu mình cho trẻ

Trong đám cháy nhà: Trẻ nên bò sát nền nhà, thở qua khăn ướt, bò nhanh tìm đường thoát ra khỏi nhà cháy.

Trên thuyền du lịch: Cho trẻ mặc áo phao. Lúc thuyền lật, nhanh chóng chọn lấy phao hay bất cứ vật dụng gì trên thuyền như thanh gỗ, miếng nệm... Nên cho trẻ học bơi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.