Hiến kế phòng chống tham nhũng: Nhận diện mánh khóe 'tham nhũng vặt'

09/07/2018 05:18 GMT+7

Trong công việc, tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, pháp luật.

Thường xuyên trong câu chuyện, những doanh nhân đó kể về việc cán bộ nhà nước vòi vĩnh, gây khó khăn, nhằm buộc doanh nghiệp phải chi tiền.
Nguyễn Minh Đức (Phó trưởng phòng Ban Pháp chế - VCCI) Ảnh: NVCC
Những lúc như vậy, tôi thường hỏi các doanh nghiệp (DN): “Các cán bộ nhà nước có những mánh khóe nào để ép DN phải chi tiền và để không bị phát hiện?”. Những câu trả lời chưa bao giờ làm tôi hết ngạc nhiên.
1. Có DN kể, DN nộp hồ sơ, cán bộ cứ ngâm ở đấy. Quá hạn không thấy cơ quan nhà nước nói gì, DN lên hỏi thì cán bộ bảo là tài liệu này, tài liệu kia cần dịch ra tiếng Việt. DN vác về thuê người dịch. Dịch xong, lên nộp thì lại tiếp tục ngâm. DN lên hỏi thì lại được thông báo là đánh số trang chưa chuẩn, phải đánh số lại. DN lại phải mang về điều chỉnh. Lại nộp, lại ngâm, lại hỏi. DN được trả lời là có mấy chỗ dịch chưa chuẩn, cầm về dịch lại.
2. Một DN đi nộp đơn khởi kiện một DN khác nợ tiền nhưng không trả. Vài ngày sau, thẩm phán mời DN lên thông báo hồ sơ chưa hoàn thiện, đề nghị DN nộp thêm Giấy đăng ký kinh doanh của bị đơn. Ông giám đốc DN đó nổi khùng: “Có ai điên mà đưa giấy đăng ký DN của mình cho thằng khác để nó hoàn thiện hồ sơ khởi kiện chính mình không?”.
3. Lại có DN nộp hồ sơ đã cẩn thận nộp kèm Giấy đăng ký kinh doanh bản photo có chứng thực. Mấy hôm sau, cán bộ gọi DN lên hỏi: “Đây có phải là Giấy đăng ký kinh doanh bản mới nhất không?”. DN bảo phải. Cán bộ không tin, yêu cầu DN phải đi xin xác nhận đây đúng là Giấy đăng ký kinh doanh bản mới nhất.
4. Có DN nộp hồ sơ rất đầy đủ, không thiếu gì cả. Nhưng cuối cùng vẫn bị trả lại vì viết tắt địa chỉ: “TP HN” mà không phải là “Thành phố Hà Nội”.
5. Có DN đến nhận kết quả bị mời về vì lý do lãnh đạo đi họp, không có ai ký. DN ngồi đợi trước cửa cơ quan đến 3 giờ chiều thì thấy lãnh đạo đi nhậu về, người đầy mùi rượu. DN khác thì phải ra về vì cán bộ trả hồ sơ hôm đó đi... nghỉ mát.
6. Tôi hỏi lãnh đạo một hãng taxi lớn: “Vì sao chỉ có một số hãng taxi được đón khách ở sân bay?”, ông chia sẻ thành thật là được vào sân bay để đón khách cũng mất không ít tiền. Nếu không thì bị bảo vệ sân bay đuổi ngay.
Hỏi một lái xe taxi dù ở sân bay: “Các anh đón khách thế này thì bảo vệ sân bay có biết không?”, anh ta cũng chia sẻ thành thật là trước tết phải quà cáp, sau tết mừng tuổi, thỉnh thoảng cũng được các anh bảo vệ rủ đi (trả tiền) nhậu nhẹt, karaoke.
7. Lại có DN đi khởi kiện ra tòa X. Thẩm phán phụ trách một mặt làm công văn ủy thác cho tòa Y thu thập chứng cứ, mặt khác lại gọi điện cho bạn mình ở tòa Y bảo là đừng thu thập chứng cứ. Quá hạn, không thấy tòa Y trả lời, tòa X lấy đó làm lý do đình chỉ vụ án. Mãi về sau DN mới phát hiện ra chuyện này.
8. Có DN kể chuyện cán bộ “ra giá” bằng cách dùng đầu ngón tay chấm ít nước trà, viết số 30 lên bàn rồi xóa đi. DN tự hiểu rằng phải chi 30 triệu thì việc này mới xong.
9. Giám đốc một DN kể bỗng dưng được thông báo là sắp rơi vào danh sách thanh tra theo kế hoạch của cơ quan nhà nước; muốn ra khỏi danh sách thì “phải biết điều”. Sau khi hỏi quanh, họ mới phát hiện ra rằng tất cả các DN khác đều nhận được thông báo tương tự như vậy.
10. Lại có DN nhận được tin cơ quan tham mưu đang đề xuất tăng một khoản phí mà DN phải nộp. DN phải tìm cách lo lót. Sau một thời gian, chính cơ quan đưa ra đề xuất đó nói rằng: “Sau khi lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, thấy rằng đề xuất tăng phí là chưa hợp lý” nên họ không trình lên cấp có thẩm quyền nữa.
11. Có DN đưa cho tôi xem tin nhắn của một cán bộ (mà tôi cũng có quen biết), đòi 50 triệu đồng thì bỏ qua cho lỗi vi phạm. Tôi bảo DN có thể tố cáo. Họ cười. Tố cáo có thể giúp họ bớt được 50 triệu đồng, nhưng họ sẽ rơi vào “blacklist” của cơ quan nhà nước. Họ chẳng thể di dời nhà máy đi chỗ khác, chẳng thể thay đổi được lãnh đạo địa phương, vậy nên chấp nhận mất 50 triệu...
Tham nhũng là như vậy, muôn hình vạn trạng.
Tham nhũng kiểu này có thể ngăn chặn được không?
Câu trả lời là: “Được!”, “Nhưng khó”, tất nhiên.
Công thức chung vẫn là giảm độc quyền, giảm tùy tiện, tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, nhưng mỗi trường hợp cụ thể sẽ phải ứng dụng khác nhau. Đơn giản nhất, chỉ cần 2 cái nút nhỏ để người dân, DN đánh giá “hài lòng” hay “không hài lòng” về công chức mà mình tiếp xúc, cũng đủ để chấn chỉnh thái độ “hành” dân của không ít người.
(Vũ Hân, ghi)
Bài vở cộng tác, xin gửi về địa chỉ Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM hoặc email: [email protected], ghi rõ gửi chuyên mục Hiến kế phòng chống tham nhũng. Ngoài bút danh, tác giả cần nêu rõ địa chỉ và điện thoại để tòa soạn tiện liên lạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.