Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường nội trú THCS và THPT H.Lạc Thủy (Hòa Bình), khai đã nhận 500 triệu đồng tiền cảm ơn sau khi nâng điểm cho thí sinh từ bị cáo Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Hòa Bình, song cựu thượng tá công an phủ nhận điều này.
“Không nghĩ vụ việc nghiêm trọng thế này”
Khai tại tòa, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận đã lợi dụng vị trí ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm để nâng điểm cho các thí sinh. Bị cáo Tuấn cho hay từ ngày 27 - 28.6.2018, bị cáo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình), đã đưa cho bị cáo tập danh sách tại phòng 503 khu vực chấm thi trắc nghiệm, trong đó có thông tin của thí sinh, để nâng điểm.
Ngoài bị cáo Vinh, bị cáo Tuấn cũng khai đã nhận thông tin thí sinh từ bạn bè, đồng nghiệp, người quen để sửa điểm; khi nhận đề nghị “giúp đỡ” các thí sinh, không có trường hợp nào hứa hẹn được trả tiền và nhiều trường hợp là nhận lời sửa điểm vì “quan hệ ngoại giao”.
Bên cạnh bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, bị cáo Tuấn còn bị truy tố tội “nhận hối lộ”. Tại tòa, bị cáo Tuấn khai sau khi thực hiện việc sửa điểm cho các thí sinh thì nhận tiền từ 3 bị cáo: Hồ Chúc, nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà (nhờ nâng điểm 2 trường hợp); Đào Ngọc Thuật, nguyên giáo viên Trường THPT Mường Bi (nhờ nâng điểm 4 trường hợp); Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Hòa Bình (nhờ nâng điểm 10 trường hợp). Trong đó, bị cáo Chúc đưa 300 triệu đồng, Thuật đưa 250 triệu đồng và Chất đưa 500 triệu đồng. Trong vụ án, cơ quan tố tụng chỉ xác định bị cáo Hồ Chúc đưa cho bị cáo Tuấn 300 triệu đồng là phạm tội đưa hối lộ; đối với các trường hợp Đào Ngọc Thuật và Khương Ngọc Chất, cơ quan tố tụng khẳng định chưa có căn cứ xử lý về tội danh này, sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý.
Đối với bị cáo Chất, bị cáo Tuấn khai Chất từng đến khu vực chấm thi trắc nghiệm trên danh nghĩa kiểm tra chấm thi để gặp Tuấn nhờ nâng điểm cho thí sinh và nói rõ là “nâng điểm cho một số thí sinh là con em trong ngành”. Sau khi nâng điểm, bị cáo Chất hẹn gặp bị cáo Tuấn trên đường, ngay cửa quán Ngon trên đường Trương Hán Siêu (TP.Hòa Bình). Tại đây, Chất đưa cho bị cáo Tuấn 1 bọc ni lông màu đen, về nhà giở ra mới biết số tiền là 500 triệu đồng. Sau đó, bị cáo này đã gọi điện hỏi bị cáo Chất vì sao đưa nhiều tiền như vậy và xin trả lại, nhưng cựu sĩ quan an ninh khi đó nói “cứ cầm đã”. Khi vụ việc bị phát giác, bị công an triệu tập làm việc, bị cáo Tuấn khai trong các buổi tối ngày 28 - 30.7.2018, sau khi làm việc với công an đã tìm gặp các bị cáo: Chất, Vinh nhưng đều được dặn dò: “Cứ bình tĩnh. Ngoài này bọn anh đang cố gắng lo!”.
Tại phiên tòa, cả 2 bị cáo Vinh và Chất đều phủ nhận các cáo buộc của cơ quan công tố. Sáng 11.5, sau khi đại diện Viện KSND tỉnh Hòa Bình công bố bản cáo trạng, trong đó cáo buộc bị cáo Chất đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để nâng điểm cho 10 thí sinh, cựu sĩ quan an ninh khẳng định không phạm tội, cũng không thực hiện hành vi như cáo trạng nêu.
Tương tự, bị cáo Vinh khẳng định mình “không phải là chủ mưu” như cáo buộc của cơ quan công tố; đồng thời cũng không thực hiện các hành vi tạo điều kiện cho các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Vinh cũng phản đối CQĐT kết luận bị cáo “không thành khẩn trong quá trình điều tra”.
Theo cáo trạng, bị cáo Vinh có vai trò chủ mưu, đã bàn bạc, chỉ đạo bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn và đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo các điều kiện thuận lợi để các bị cáo khác nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh. Bị cáo Vinh cũng bị cáo buộc đã chỉ đạo bị cáo Tuấn “sinh mã phách” bài thi tự luận môn ngữ văn trái quy chế thi để lấy thông tin; cung cấp “mã phách”, thông tin thí sinh tham gia thi môn ngữ văn cho bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình), để chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận.
Hôm nay (12.5), phiên tòa tiếp tục.
Bình luận (0)