Nhân loại chuẩn bị đón nguyệt thực dài nhất thế kỷ

20/07/2018 14:00 GMT+7

Nhân loại chẳng hề xa lạ gì với mặt trăng, nhưng sự kiện nguyệt thực - "mặt trăng máu" chuẩn bị diễn ra vào tuần sau đáng để mong chờ, và một lần nữa Việt Nam lại "ngồi ghế đầu" thưởng lãm, nếu thời tiết cho phép.

Diễn ra trong gần 2 giờ, hiện tượng nguyệt thực vào đêm 27.7 sẽ ghi tên vào lịch sử vì diễn ra trong thời gian dài nhất của thế kỷ này.
Châu Á và châu Phi sẽ thưởng thức trọn vẹn toàn bộ quá trình, còn dân châu Âu, Nam Mỹ và Úc xem được một phần. Đáng tiếc là Bắc Mỹ sẽ bỏ lỡ cơ hội của đời người này.
Nguyệt thực sẽ bắt đầu vào đêm 27.7 đến những giờ đầu tiên của ngày hôm sau. Theo đài EarthSky, đây là sự kiện nguyệt thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21.
“Giai đoạn toàn phần của quá trình kéo dài 1 giờ 42 phút và 57 giây”, nhà thiên văn học Bruce McClure của đài Mỹ cho biết.
Trong lúc diễn ra nguyệt thực, mặt trăng sẽ có màu đỏ, nên gọi là “mặt trăng máu”.
Nguyệt thực toàn phần diễn ra khi mặt trăng, mặt trời ở hai bên đối diện của Trái đất. Khi hiện tượng này diễn ra, Trái đất chắn ánh sáng mặt trời chiếu đến mặt trăng, và mặt trăng lọt vào phần tối của địa cầu. Dù bị chắn, một số ánh sáng vẫn đến được chị Hằng sau khi đi qua khí quyển Trái đất. Trong quá trình này, khí quyển Trái đất lọc đa số ánh sáng xanh, nên mặt trăng sẽ có màu đỏ khi hiển thị trên bầu trời đêm.
Cùng lúc diễn ra nguyệt thực, sao Hỏa sẽ đến điểm xung đối của nó, thuật ngữ chỉ hiện tượng Trái đất nằm giữa sao Hỏa và mặt trời. Space.com cho hay đến ngày 31.7, hành tinh đỏ sẽ chói sáng trên bầu trời đêm, đánh dấu lần tỏa sáng nhất kể từ năm 2003.
Sao Hỏa tỏa sáng rực rõ hơn bình thường vào năm 2003 NASA
Vào ngày 27.8.2003, sao Hỏa ở khoảng cách gần địa cầu nhất trong gần 60.000 km, chỉ cách 56 triệu km, theo NASA. Lần này, vào ngày 31.7.2017, sao Hỏa sẽ cách 57,6 triệu km và sáng gấp 10 lần so với bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.