Tự lực cánh sinh
Sau khi tuần báo Duy Tân bị đóng cửa, Lý Văn Sâm và Dương Tử Giang bị bắt, Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu (tức Khải Minh, Bí thư Ban Trí vận Thành ủy 1949 - 1957) phụ trách báo chí chỉ đạo Trường Xuân Trúc và Nguyễn Bảo Hóa (Tô Nguyệt Đình) phải tổ chức một tuần báo văn nghệ tiếp tục đường lối đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất. Hai ông đã liên hệ mướn được manchette tờ Nhân Loại của Anh Đào để lấy thế công khai hợp pháp. Tờ tuần báo này ra đời năm 1953, sáng lập là Trần Đức Ước.
Tờ tuần báo Nhân Loại (bộ mới) do những nhà văn kháng chiến bỏ tiền túi ra làm vào năm 1958 với thành phần: Chủ nhiệm kiêm chủ bút Anh Đào (người cho thuê manchette không chỉ đạo nội dung), Thư ký tòa soạn Thùy Lê Anh (Nguyên Hùng) có sự cộng tác của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Tiêu Kim Thủy, Lê Dân, Trường Xuân Trúc ngay số đầu tiên. Nguyên Hùng cũng vừa mới lên Sài Gòn gặp được Trường Xuân Trúc rủ làm báo Nhân Loại và mỗi người phải đóng 500 đồng vì không có ngân khoản nào của cách mạng tài trợ. Ngày thượng bảng tuần báo Nhân Loại trước cửa nhà in Hồ Văn Lợi, 316 Bến Chương Dương, Sài Gòn chỉ có ba “mống” là Nguyễn Bảo Hóa - người thay mặt ban biên tập giải quyết những chuyện nghiệp vụ, Trường Xuân Trúc và Nguyên Hùng. Nguyên Hùng chỉ làm thư ký tòa soạn được thời gian ngắn rồi bàn giao cho Ngọc Linh. Tờ tuần báo này giá 6 đồng, 36 trang. Số đầu tiên đổi mới có bài của Tân Đức. Từ số này, tờ báo có khuynh hướng văn nghệ rõ hơn.
Tuần báo văn nghệ mang sắc thái Nam bộ
Trong khoảng thời gian từ sau Hiệp định Genève, tại Sài Gòn xuất hiện nhiều tờ nhật báo. Riêng phía cách mạng có những tờ Tiếng Dội, Trời Nam, Dân Chúng, Lẽ Sống, Buổi Sáng, Ánh Sáng… Những tờ báo này mang tính chất thời sự chính trị hơn là một tờ báo văn nghệ.
Lúc ấy Nhân Loại là tờ tuần báo văn nghệ của “những cây bút miền Nam” đứng “thoi loi”, với ngôn ngữ miền Nam rặt. Họ đã tạo được một thế đứng riêng biệt không thể phủ nhận khi viết về nông thôn miền Nam. Nhà văn Võ Phiến đã nhận định: “Cá tính miền Nam hiển hiện rõ rệt trong nền văn học chúng ta thời kỳ 1954 - 1975… Sự hồi đầu của họ (những nhà văn nhóm Nhân Loại - NV) về miền Nam là một chủ tâm. Cá tính văn học miền Nam là điều không thể phủ nhận và nó rất hấp dẫn. Sự phát huy bản sắc miền Nam là một đóng góp thật quan trọng vào nền văn học VN…”.
Trụ lại giữa lòng địch, phải trực diện đấu tranh, chấp nhận trả giá trong cuộc đối đầu không cân sức, những người làm báo Nhân Loại thuở ấy tìm trăm phương ngàn kế để kiếm sống, kiếm tiền ra báo vừa có thể sáng tác đáp ứng yêu cầu kịp thời của cách mạng. Các nhà văn miền Nam này không thể chiến đấu trực diện với quân đội Mỹ, chính quyền VNCH như những nhà văn sống trong chiến khu nên họ mượn hình ảnh người nông dân và nông thôn thời Pháp thuộc nhưng hàm ý nói về cuộc sống của nhân dân miền Nam thời kỳ sau Hiệp định Genève. Tất cả sáng tác ít nhiều bộc lộ lời tố cáo chế độ phi nghĩa, lên án Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ở miền Nam như những câu trong bài thơ Xuân Nhân Loại của Lê Vĩnh Hòa: Từ thuở xuân về trong man rợ/Máu về theo với kiếp điêu linh… Xuân hỡi, một mùa xuân nhân loại/Đã đến đâu đây giữa tiếng cười…
Bộ trưởng Bộ Thông tin VNCH là Trần Chánh Thành “đánh hơi” được tuần báo Nhân Loại có khuynh hướng “thân Cộng” nên đã tìm cách đóng cửa. Không như tờ nhật báo Tiến Thủ, Nhân Loại có một cái chết rất “dịu êm”. Dù biết Nhân Loại là một tờ tuần báo có hơi hướng “thân Cộng” nhưng bị kẹt trong thế dân chủ giả hiệu không thể kiểm duyệt bài, không thể chính thức đóng cửa nên bọn chúng bắt Nhân Loại dời về Nha Tổng phát hành Thống Nhất do chính quyền nắm mạng lưới phát hành thay thế cho hệ thống phát hành tư nhân. Cơ quan này là thêm một tầng nấc kiểm duyệt báo chí. Nếu báo vuột được kiểm duyệt ở Bộ Thông tin thì ở khâu phát hành bọn chúng sẽ báo ngay cho Bộ Thông tin để ách lại. Theo chỉ thị, Nha Tổng phát hành Thống Nhất chẳng chịu phát hành tờ Nhân Loại, chỉ bán lấy lệ rồi trả hàng đống báo về cho tòa soạn. Vì không có tiền quay vốn nên Nhân Loại chỉ sống được đến số 10/1959 rồi tự động trả lại manchette cho Anh Đào.
Ngoài những cây bút miền Nam đã thành danh như Tô Nguyệt Đình, Viễn Phương, Thẩm Thệ Hà, Bình Nguyên Lộc, trên tờ Nhân Loại xuất hiện những cây bút miền Nam trẻ như Sơn Nam với những truyện về miền Nam đầu tay như: Con mèo mặt biển, Bác vật xà bông... Lê Vĩnh Hòa với truyện ngắn đầu tay Vỏ cà rem, Áo vải tim vàng, Đôi bạn… Rồi Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy) ra mắt truyện ngắn đầu tay Oan tình. Nhà thơ Kiên Giang xuất hiện đầu tiên trên Nhân Loại với bài thơ Quán giữa đồng. Riêng Ngọc Linh trước khi làm thư ký tòa soạn đã có những bài báo viết về kịch trường như Ngày cuối cùng của tài danh Tư Út, Mười Bửu. Ông có truyện ngắn đầu tiên trên Nhân Loại là Tan một ngọn đèn… Bên cạnh đó còn những cây bút miền Nam khác góp mặt không thường xuyên như Cô Hợp Phố, Lê Dân, Vĩnh Điền, Trường Xuân Trúc…
|
Bình luận (0)