Nhận lương chậm từ 15 ngày, người lao động sẽ được thêm tiền lãi

14/12/2020 18:18 GMT+7

Từ tháng 1.2021, người lao động nếu bị trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, sẽ được đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm.

Từ 1.1.2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực quy định một số tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ)... Đáng chú ý là Điều 97 Bộ Luật Lao động 2019 còn quy định trách nhiệm trả “lãi” của NSDLĐ khi vi phạm nghĩa vụ trả lương cho NLĐ.

NLĐ được ứng tiền lương và không bị tính lãi

Trao đổi với Thanh Niên, Luật sư (LS) Trần Minh Cường (thuộc Đoàn LS TP HCM) cho biết Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 quy định NLĐ được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

Trường hợp NLĐ bị trả lương chậm từ 15 ngày trở lên sẽ được đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.

"Đây là một điểm mới của Bộ Luật Lao động năm 2019, thay thế Bộ luật Lao động 2012. Một điểm mới đã được luật hóa đưa vào Bộ Luật Lao động quy định trách nhiệm trả “lãi” của người sử dụng lao động khi vi phạm nghĩa vụ trả lương cho người lao động", LS Cờng phân tích.

Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định “Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương", LS Trần Minh Cường dẫn chứng.

NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trước đó, theo quy định tại Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực từ ngày 1.3.2015) đã quy định kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng, cụ thể như sau: “Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương ”, LS Cường cho hay.

Mặt khác, trường hợp công ty trả lương không đúng thời hạn (trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019) thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước cho công ty theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động 2019. Theo đó, một số trường hợp NLĐ được quyền chấm dứt hợp đồng lao động cụ thể như sau:

Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.

Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Liên quan trách nhiệm trả “lãi” của NSDLĐ khi vi phạm nghĩa vụ trả lương cho NLĐ chậm từ 15 ngày (tối đa 30 ngày), LS Trần Minh Cường cho biết việc luật hóa quy định nêu trên, cũng như quy định NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động  khi không được trả lương theo thỏa thuận vào Bộ luật Lao động năm 2019 là một điểm tiến bộ, thể hiện sự sòng phẳng, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp NSDLĐ chây ì trong việc trả lương hoặc cố tình chiếm dụng tiền lương của người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.