Nhân sự Khu đô thị sáng tạo phía Đông 'không bị gián đoạn bởi nhiệm kỳ'

16/10/2020 11:33 GMT+7

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM xác định bộ máy chịu trách nhiệm và nhân sự chủ chốt có thể theo sát dự án mà không bị gián đoạn bởi nhiệm kỳ.

Sáng 16.10, ở phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã dành nhiều thời gian phân tích những lợi thế của Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP, chỉ ra những tồn tại hạn chế và đề ra giải pháp dài hạn với tầm nhìn 20 năm.

Ý tưởng về thành phố phía Đông

Ông Nhã cho biết tại khu vực phía Đông TP gồm các quận: 2, 9 và Thủ Đức được đầu tư hạ tầng giao thông cơ bản đồng bộ, nhiều công trình trọng điểm, như: đường Mai Chí Thọ và đường hầm vượt sông Sài Gòn, đường Vành đai 2, tuyến metro số 1. Đồng thời, khu vực phía Đông này bước đầu hình thành một số trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm - Q.2, Khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao tại Q.9 và Q.Thủ Đức. Đây là một trong những tiền đề để TP.HCM đưa ra ý tưởng xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.
Dù vậy, quy hoạch ở 3 quận này không đồng bộ, giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm ở một số đầu mối giao thông. Nguyên nhân do tỷ lệ đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, các dự án lớn chậm triển khai. Tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng; hiện có khoảng 10 vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường trong khu vực.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM báo cáo tham luận sáng 16.10

Ảnh: BTC

Từ đánh giá hiện trạng, ông Nhã cho biết TP.HCM xác định mục tiêu cốt lõi đối với Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển thông qua 8 trung tâm đổi mới sáng tạo.
TP.HCM xác định giai đoạn 2020-2025 có 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia, giai đoạn 2 có 50.000 việc làm và giai đoạn 2030-2040 có 150.000 việc làm.

3 giai đoạn của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố

Giai đoạn 2020-2022: Ban hành kế hoạch và khung phát triển tổng thể, các quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Thu hút các công ty đầu tàu, đào tạo nhân lực, thúc đẩy lực lượng lao động hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành kinh tế sáng tạo.
Giai đoạn 2022-2030: Xây dựng công trình tại các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm và tạo mạng lưới liên kết. Cải thiện tình trạng giao thông và môi trường đô thị.
Giai đoạn 2030-2040: Quảng bá dự án quy mô quốc tế. Thiết lập mạng lưới hợp tác toàn cầu. Ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sáng tạo.
Về dân số, dự kiến đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030; 1,9 triệu người vào năm 2040 và đạt mức 3 triệu người vào năm 2060. Khi đó, giao thông công cộng đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại, mạng lưới đường trục chính đô thị hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4 - 6 km, đến năm 2020 đảm bảo chống ngập tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập 1 lần), 10% diện tích Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố sẽ là công viên.

Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư

Để đạt các mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp cốt lõi về quy hoạch, quản lý đất đai, tài sản đô thị, thu hút đầu tư. Mỗi một trọng điểm sáng tạo sẽ có một chính sách để giải quyết từng mục tiêu khác nhau trên cơ sở tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để giảm thiểu thời gian xây dựng, tập trung vào mục tiêu chính là xây dựng các hệ sinh thái sáng tạo.

Hạ tầng giao thông ở các quận: 2, 9 và Thủ Đức đang được đầu tư bài bản

Ảnh: Ngọc Dương

"Đề án xác định bộ máy chịu trách nhiệm và nhân sự chủ chốt cho dự án Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP, có thể theo sát dự án mà không bị gián đoạn bởi nhiệm kỳ", ông Nhã nhấn mạnh giải pháp về quản lý.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng nghiên cứu khoa học, nghiêm túc và công khai kết quả nghiên cứu đối với các chính sách thu hồi, tạo quỹ đất, chính sách đầu tư phát triển, chính sách đấu thầu dự án hoặc đấu giá đất, chính sách ưu đãi đối với nhóm các cá nhân, tổ chức cần thu hút hoạt động kinh doanh.
Xây dựng hệ thống quỹ đất chịu sự quản lý của Nhà nước, duy trì cơ chế cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê và cơ chế khuyến khích phát triển thông qua cơ chế thưởng hệ số sử dụng đất.

8 trung tâm đổi mới sáng tạo

+ Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính

+ Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc

+ Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học

+ Khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục

+ Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái

+ Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai

+ Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái

+ Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam trên tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía Đông, thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.