Lịch sử Việt Nam không hiếm những tướng tài, những người cầm quân giỏi qua các triều đại. Lê Văn Duyệt đã từng là một tướng tài, một người cầm quân giỏi trong sự nghiệp phò Nguyễn Ánh lên ngôi đế vương. Nhưng nếu chỉ như thế, ông sẽ bị lịch sử "ít nhớ" ngay, bởi rất nhiều lý do. Những nước đi rắc rối của lịch sử khiến nhiều lúc người ta tưởng nó đứng hẳn về phía vua chúa, phía thống trị, vì một lẽ đơn giản trong nhiều lẽ, là những người chép sử luôn được ăn lương công chức, mà đã "ăn cơm chúa" thì phải múa... thế nào chứ? Nhưng cuối cùng, hóa ra, sau nhiều "nước biến" phức tạp của một ván cờ bất tận, lịch sử lại ngả về phía nhân dân, những người vừa góp phần quan trọng làm ra lịch sử, vừa liên tục chịu đựng lịch sử.
Và nhân dân cũng là những người chép sử một cách vô thức, tự phát, những người đã làm nên "dã sử" để cân đối với "chính sử", những người đã làm cho lịch sử luôn sống động và công bằng hơn qua ký ức cộng đồng. Chính cái "nhân dân sử" nay đã ghi nhận và đánh giá đúng công lao Lê Văn Duyệt với tư cách người đứng đầu không chỉ thành Gia Định mà cả "đặc khu" Nam bộ, gồm luôn tới Bình Thuận. Quê quán ông nội tại Mộ Đức (Quảng Ngãi) nhưng sinh ra và lập nghiệp tại Rạch Gầm (Mỹ Tho, bây giờ là Tiền Giang), Lê Văn Duyệt thuộc một dòng họ đã hai lần "Nam tiến", mà Quảng Ngãi là nơi dừng chân lần đầu, và Nam bộ là nơi định cư lần sau. Như thế, Lê Văn Duyệt, cũng như bao nhiêu lưu dân khác, đã mang trong máu mình truyền thống mở cõi, cái truyền thống đã làm nên một nước Việt Nam hình chữ S như bây giờ ta sống.
Dù Sài Gòn (thành Gia Định) đã được chính thức thành lập từ năm 1698 và Lê Văn Duyệt là vị Tổng trấn thứ bao nhiêu, sau ngày sinh Sài Gòn những 114 năm, nhưng có thể nói, thời cai trị của Lê Văn Duyệt là thời bình của Sài Gòn và Nam bộ, sau hàng thế kỷ chiến tranh, loạn lạc. Đứng đầu vùng đất mới, thành phố mới trong những năm hòa bình là một lợi thế cho Lê Văn Duyệt để ông thực thi chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Gia Long đã tin tưởng ông và Minh Mạng rất vị nể ông, dù thâm tâm không ưa ông. Đó là một lợi thế nữa cho Lê Văn Duyệt, một người không có tư tưởng cát cứ, nhưng luôn có những suy nghĩ độc lập, có những cân nhắc và quyết định ở tầm chiến lược.
|
Trong đối nội, tư tưởng chủ đạo của Lê Văn Duyệt là tư tưởng vì dân. Ai cũng biết, thuở đó Sài Gòn và Nam bộ là vùng đất mới rất lộn xộn, lại thêm bao năm chiến tranh loạn lạc kéo dài, nên lòng người dân chưa tụ và chưa thể an cư. Chưa an cư thì làm sao lạc nghiệp? Vậy thì việc đầu tiên phải làm đối với vị Tổng trấn là phải an dân. Chính ở điểm này, ký ức nhân dân đã ghi nhận những công lao to lớn của Lê Văn Duyệt. Ông vừa là người thiết kế, vừa là người trực tiếp thi công chính sách an dân. Tất nhiên, bằng pháp luật. Nhưng đây là một pháp luật có lòng nhân, có lòng vị tha, nó "đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại". Đây là một chủ trương đúng đắn của Lê Văn Duyệt: "Duyệt đặt ra những điều luật ngăn cấm minh bạch, ra lệnh cho các quan chức sở tại mật báo quan biết những tên giặc cướp để bắt ngay chúng về trừng trị, lại ra thông cáo cho giặc cướp biết là nếu chúng tự mình ra thú sẽ được thu dụng. Từ đó trở đi, giặc cướp mới hết, dân cư nhờ thế được yên" (dẫn lại theo Lê Nguyễn, trích từ Bản triều bạn nghịch liệt truyện của Kiều Oánh Mậu).
Làm được chuyện đó, trước hết nhờ Lê Văn Duyệt rất hiểu đời sống cũng như tâm lý, tình cảm của lưu dân Nam bộ, vốn là những người đồng hương với ông, những người cùng cảnh ngộ với ông. Hiểu sâu tính cách lưu dân Nam bộ, cả mặt mạnh và mặt yếu, cả cái tốt và cái xấu của họ, tìm được cách tối ưu để giáo hóa, hướng thiện họ, làm cho họ được an cư, khơi dậy ở họ một khát vọng lập nghiệp ở vùng đất mới, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã hơn "một vị quan cai trị tốt", ông là người đã tìm ra động lực của sự phát triển cả vùng đất mới. Động lực ấy trước tiên nằm ở ý chí quyết liệt, ở tính cách cương cường của người dân trong cuộc mưu sinh đầy hiểm nguy và gian khổ. Hoàn cảnh càng khó khăn thì khát vọng lập nghiệp càng mạnh mẽ, càng kích thích ở họ những sáng kiến nhằm khai thác và chung sống với thiên nhiên, càng hun đúc nghị lực cũng như làm cho tâm tính họ khoáng đạt, vị nghĩa.
Khơi dậy được cái tiềm năng lòng người ấy là một thành công lớn trong chính sách cai trị của Lê Văn Duyệt. Đó là chủ trương mở cửa đầu tiên của ông, mở cửa lòng người, lòng dân. Từ chủ trương mở cửa lòng người ấy, Lê Văn Duyệt đã có những chủ trương mở cửa về kinh tế, khuyến khích nhân dân Gia Định thành làm ăn, buôn bán. "Phi thương bất phú", có thể nói thời Lê Văn Duyệt là thời Sài Gòn có tốc độ "đô thị hóa" đáng kể. Và một khi "nội thương" đã phát triển, tất dẫn tới nhu cầu phát triển "ngoại thương". Có thể nói, sự phát triển ngoại thương thời Lê Văn Duyệt gắn liền với chính sách đối ngoại mà ông thực thi, một chính sách được coi là cởi mở nhất, trong điều kiện chính quyền trung ương nhà Nguyễn bắt đầu có những chủ trương "bế quan tỏa cảng" và "cấm đạo" (đây là đạo Thiên Chúa).
|
Chính từ chủ trương đối ngoại cởi mở này, Lê Văn Duyệt đã có những mâu thuẫn tuy ngấm ngầm nhưng sâu sắc với triều đình Minh Mạng. Có cảm giác thời đó, Sài Gòn mới thực là "cửa ngõ mở ra thế giới", với những phái bộ Phương tây thường xuyên ghé thăm và trao đổi, "giao lưu", với tàu thuyền Á, Âu buôn bán tấp nập, với mối bang giao đặc biệt cùng Chân Lạp (Campuchia), hòa hiếu trên thế mạnh với Xiêm La (Thái Lan). Cả Miến Điện cũng cử sứ bộ sang kết giao. Và đặc biệt, Lê Văn Duyệt có chủ trương "không phân biệt tôn giáo" trong hoàn cảnh Minh Mạng đang thực thi việc cấm đạo Thiên Chúa rất ráo riết. Đúng là có những kẻ đã lợi dụng Thiên Chúa giáo để mở đường cho những hoạt động xâm lược, nhưng không phải tất cả những người truyền đạo đều có manh tâm. Và đa số giáo dân người Việt lương thiện, làm sao có thể đẩy họ sang chiến tuyến đối nghịch với đất nước, với dân tộc trong lúc cần đoàn kết toàn dân để xây dựng một nước Việt phú cường?
Quan điểm ôn hòa với đạo Thiên Chúa của Lê Văn Duyệt không phải dựa trên những quan hệ cá nhân của ông với một số giáo sĩ, giám mục phương Tây, mà dựa trên những suy nghĩ của ông về giáo dân người Việt trên đất Nam bộ. Chính nhờ quan điểm ấy của Lê Văn Duyệt mà sau này, những cuộc tàn sát giữa "lương" và "giáo" ít xảy ra, và không gay gắt ở Nam bộ. Tiếc thay, tầm nhìn xa rộng của Lê Văn Duyệt không có nhiều tác động tích cực đến triều đình nhà Nguyễn, đến chính sách đối nội đối ngoại của quốc gia, mà chỉ có tác dụng tích cực trong phạm vi hẹp của Gia Định thành trong một thời gian.
|
Có thể nói, Lê Văn Duyệt là người lãnh đạo tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa. Nhưng trong thời buổi ấy, ông và tư tưởng của ông quá cô độc. Và những suy nghĩ cũng như việc làm của ông thường bị hiểu sai bởi chính triều đình. Chỉ nhờ công lao và uy tín quá lớn của ông mà sinh thời, ông chưa bị triều đình bắt tội. Nhưng sau khi ông chết (1832) thì việc gì phải đến đã đến. Một cách thậm tệ và đau xót. Bản án tàn khốc năm 1835 mà Minh Mạng dành cho ông (bảy án chết chém, hai án chết treo) và gia đình ông (các cháu trai gọi ông bằng bác ruột từ 13 tuổi trở lên đều bị giết sạch, trong đó có người cháu được lập tự cho ông) không đơn giản chỉ vì cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi - con nuôi ông - mà chủ yếu để "giải quyết mâu thuẫn" giữa Lê Văn Duyệt và triều đình Minh Mạng. Đó là bản án giáng vào chính tư tưởng mở cửa, vào những quan điểm rất "thoáng" mang tính cách tân của vị Tổng trấn thành Gia Định. Chỉ có nhân dân thành Gia Định là thấu hiểu điều đó. Và ký ức của nhân dân "dã sử" của nhân dân đã ghi lại những công lao không thể xóa, không thể "trảm" của Lê Văn Duyệt đối với vùng đất mới Nam bộ.
Ngày mới giải phóng Sài Gòn, tháng 5.1975, tôi được một người bạn gái đưa đến thăm Lăng Ông. Thú thật, lúc bấy giờ tôi cũng chưa biết đây là Lăng của "Ông" nào. Nhưng thấy rất đông người đến viếng, xin xăm, và nhìn thái độ thành kính của họ, tôi đoán đó phải là lăng mộ của một người phi thường, và của một người có quan hệ mật thiết với nhân dân, yêu thương nhân dân. Sau này, khi hiểu thêm về Lê Văn Duyệt, tôi hiểu sự thành kính đó xuất phát từ sự cảm thương của nhân dân đối với một con người lừng lẫy nhưng có số phận bi kịch và cũng ẩn chứa sự hàm ơn của nhân dân đối với một người có công với dân. Mà có công với dân là có công với nước. Dù xuất phát cho sự nghiệp đời mình, Lê Văn Duyệt đã theo Nguyễn Ánh, chứ không theo Tây Sơn. Nhưng lịch sử là lịch sử. Và trên cả lịch sử, con người vẫn là con người. Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định đã sống như một con người. Một con người có nhân, đức, trí, dũng. Một con người có tư tưởng vì dân. Một nhà cai trị có chủ trương mở cửa, cách tân.
Bình luận (0)