Nhân sự trung, cao cấp đối diện nguy cơ mất việc

26/11/2018 07:01 GMT+7

Cạnh tranh về thu hút lao động tăng lên khi tham gia Hiệp định đối tác và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể khiến giới lao động trung và cao cấp VN đối diện nguy cơ mất việc.

Cùng cấp, sếp Việt lương thấp hơn
VN đang sở hữu nhiều lãnh đạo giỏi, nhưng số này còn rất khiêm tốn. Các vị trí quản lý ngân hàng điện tử, du lịch nghỉ dưỡng... chúng tôi thường phải tìm những nguồn nhân sự cấp cao từ nước ngoài, vì nhân sự cấp cao người Việt có nhưng không đủ
Đại diện Tập đoàn tư vấn và tuyển dụng lao động ManpowerGroup
Bà Võ M.Phương (Q.1, TP.HCM), quản lý cao cấp trong ngành bán lẻ xuất khẩu, cho biết nhân sự cao cấp của VN luôn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nhân sự cùng cấp đến từ nước ngoài. Thiệt thòi về lương bổng, quyền lợi, khả năng được ghi nhận, cất nhắc trong một doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại VN. Dẫn chứng, bà Phương chỉ ra một vị trí cấp quản lý bán hàng trong một công ty Hàn Quốc, nếu thuê người Việt, lương có thể trả 2.000 USD/tháng, nhưng thuê người Hàn Quốc, DN phải trả từ 3.000 - 4.000 USD/tháng. Nếu là người Ấn Độ cũng thường được trả lương cao hơn 30% so với người Việt đảm nhận cùng vị trí công việc.
“DN phải chi gấp rưỡi hoặc gấp đôi nguồn tài chính để trả lương cho người Hàn thay vì người Việt ở vị trí tương đương do chất lượng nhân sự Việt luôn bị đánh giá thấp so với nhân sự các nước đã và đang phát triển”, bà Phương thừa nhận.
Trong bối cảnh đó, việc VN đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt CPTPP, Hiệp định thương mại tự do VN - châu Âu, áp lực cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trung và cao cấp Việt sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhân sự các nước tràn vào.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX-TM may Sài Gòn, cho biết không đợi đến CPTPP, hiện nhiều DN sản xuất trong nước phải đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại để tránh nguy cơ tụt hậu. Gia công là chủ yếu nên các DN trong ngành này sẽ đối mặt với sự cạnh tranh để tăng năng suất lao động rất khốc liệt. Nếu trước đây có thể chỉ có máy cắt, may... nay từ nhận hàng vào, đo, cắt vải, cắt chỉ... đều nằm trên một dây chuyền hiện đại mà DN cần lao động có kỹ năng mới xử lý được chứ không chỉ là thợ may lành nghề truyền thống. Khi CPTPP có hiệu lực, sự dịch chuyển lao động trong khối, đặc biệt là lao động cao cấp từ nước ngoài đổ vào VN nhiều hơn, lợi thế lao động phổ thông cũng không cao như trước, nhân lực Việt hụt hơi là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhân sự cấp cao ở lĩnh vực dịch vụ lại càng lo ngại. Ông T.C.V, chủ đầu tư resort tại Mũi Né (Phan Thiết) đầu tư lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp tại Mũi Né hơn 20 năm nay. 2 resort “thuần Việt” thuê quản lý người Việt dù được học bên Singapore về cũng không bằng resort liên doanh với nước ngoài và sử dụng quản lý người nước ngoài.
“Chúng tôi chi tiền lương cho quản lý người Tây Ban Nha cao gấp đôi quản lý người Việt, chưa tính các khoản phí ăn ở, phí bay về thăm nhà, phí đi công tác tiếp thị ở nước ngoài. Đổi lại, chúng tôi có nguồn khách nước ngoài đến từ châu Âu ổn định ngay cả mùa thấp điểm. Trong khi với quản lý người Việt, họ giỏi tiếng Anh thật, giao tiếp tốt, nhưng tiếp cận nguồn khách ngoại chịu chi tiền không phải ai cũng làm được”, vị này cho hay.
Phải đào tạo chứ không chỉ “chăm chăm” tuyển dụng
Tỏ ra khá lạc quan, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng tình trạng trên có thể xảy ra từ 10 năm trước, khi những nhà đầu tư lớn như Samsung vào VN đều thuê quản lý đến từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khoảng 3 năm sau đó, dàn quản lý nhà máy Samsung đã được thay thế bằng người Việt. Nhân sự trung, cao cấp Việt nay đảm nhận vị trí cao trong các công ty, dự án lớn do người nước ngoài thực hiện rất nhiều. Thế nên, cạnh tranh có chăng, chỉ giai đoạn giao thời, chuyển giao, khi DN nước ngoài mới vào VN đầu tư, chưa tìm được người quản lý tốt đủ tin tưởng để giao mọi quyền điều hành ban đầu. Khi đã có thời gian tiếp xúc, đặc biệt chú trọng đào tạo thế hệ kế thừa, nhân sự cao cấp Việt vẫn được ưu tiên hơn do chi phí thấp hơn.
Để có thể cạnh tranh tốt với nhân sự cao cấp nước ngoài sau CPTPP, theo đại diện Tập đoàn tư vấn và tuyển dụng lao động ManpowerGroup, chỉ có một giải pháp duy nhất với VN là cần nâng cao chất lượng năng suất lao động cao hơn.
“VN đang sở hữu nhiều lãnh đạo giỏi, nhưng số này còn rất khiêm tốn. Các vị trí quản lý ngân hàng điện tử, du lịch nghỉ dưỡng... chúng tôi thường phải tìm những nguồn nhân sự cấp cao từ nước ngoài, vì nhân sự cấp cao người Việt có nhưng không đủ”, vị này nhận xét. Theo nhận xét của các nhà tuyển dụng, nguồn đào tạo nhân lực VN đang vô cùng hạn chế. Đây chính là điểm yếu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực trung và cao cấp, cạnh tranh với các nước trong hội nhập sâu của VN.
Theo báo cáo hằng quý của tập đoàn này, mặc dù có nguồn nhân lực dồi dào lên đến 57,7 triệu người, nhưng chỉ 5% lực lượng lao động Việt có khả năng làm việc bằng tiếng Anh, đồng thời năng suất lao động cũng rất thấp, so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động Việt chỉ đạt 4.019 USD, thấp hơn Thái Lan 3 lần, thấp hơn 6 lần so với Malaysia và 15 lần so với Singapore. Chuyên gia của ManpowerGroup nhận định, CPTPP là cơ hội để người Việt tiếp xúc và học hỏi từ những lãnh đạo cấp cao của thế giới nhưng chắc chắn là thách thức cho chính lao động Việt. Thế nên, ngay từ bây giờ, DN không nên quá chú trọng tuyển dụng mà hãy tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực mới bền vững được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.