Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua (từ 10 - 11.12), nhiều đại biểu lo ngại về tình trạng sạt lở núi và đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm có giải pháp khắc phục. Có đại biểu chỉ thẳng vấn đề là cần phải xác định bạch đàn, keo có được gọi là rừng hay không vì 2 loại cây này chu kỳ khai thác rất ngắn, thảm thực vật ở dưới không sống nổi, không giữ được nước… Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long “đúc kết”: “Nguyên nhân chính cũng do con người”.
Diện tích rừng tự nhiên ở Bình Định những năm gần đây giảm, ngược lại rừng trồng (chủ yếu là keo, bạch đàn…) tăng. Năm 2020, diện tích rừng tự nhiên ở Bình Định khoảng 215.295 ha, giảm 901 ha so với năm 2019 (năm 2019 giảm 676 ha so với 2018). Trong khi đó, diện tích rừng trồng năm 2020 khoảng 124.871 ha, tăng 5.947 ha so với năm 2019 (năm 2019 lại tăng 2.616 ha so với 2018)…
Sạt lở tại núi Cấm (xã Cát Thành, H.Phù Cát, Bình Định) khiến bùn đất vùi lấp nhà dân |
HOÀNG TRỌNG |
Ông Phạm Quang Anh, chuyên gia Quy hoạch lãnh thổ và quản lý môi trường (nguyên giảng viên Trường ÐH Khoa học tự nhiên, thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội), phân tích: Rừng tự nhiên có 5 tầng, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu… nên giữ được nước, bảo vệ môi trường. Rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên.
Cây keo, bạch đàn đem lại hiệu quả kinh tế do sinh trưởng nhanh, dễ trồng nhưng rễ cạn, hút nước nhiều khiến đất đai rất khô cằn, nhiều loại cây khác không sinh trưởng được. Khi trồng keo, bạch đàn thì người trồng phát dọn các loại cây bụi khác để 2 loại cây này phát triển. Chu kỳ khai rừng trồng nhanh tầm 4 - 8 năm, nhưng mỗi khi khai thác lại cày đất làm đường, thu hoạch xong thì phát đốt nên các loài cây bụi cũng bị triệt tiêu.
Điều này cho thấy để rừng trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tác dụng tiêu cực, cần phải có vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước; phải có quy hoạch, phân vùng khu vực trồng keo, bạch đàn... Không nên thả nổi, để người dân trồng tự phát, tràn lan như hiện nay.
Bình luận (0)