Nhận tài trợ của nhà nước, ghi không đúng địa chỉ: Cái mất của nền khoa học

01/12/2021 17:49 GMT+7

Nền khoa học thế giới được vận hành trên cơ chế “niềm tin”. Nếu muốn có một môi trường khoa học đạt chuẩn mực quốc tế thì trước hết phải quan tâm việc xây dựng được sự tin tưởng của xã hội dành cho giới khoa học.

Đi ngược với sứ mệnh của Quỹ NAFOSTED

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài về hàng loạt nhà khoa học dù đã nhận được tài trợ của Quỹ NAFOSTED nhưng khi công bố bài báo (trong phạm vi đề tài do Quỹ tài trợ) lại không ghi đúng địa chỉ nơi làm việc của mình, nhiều nhà khoa học cho rằng đây là một vấn đề đòi hỏi NAFOSTED phải sớm có giải pháp xử lý dứt điểm.

Theo tuyên bố của Quỹ NAFOSTED, sứ mệnh của Quỹ là tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế chứ không chỉ đơn thuần tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam

Đồ hoạ DoÃn Minh Đăng

Theo TS Nguyễn Bảo Huy, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Sherbrooke (Canada), cách mà Quỹ NAFOSTED đối mặt với vấn đề này sẽ phản ánh tầm nhìn về sứ mệnh thực sự của quỹ. Nếu Quỹ cho rằng họ chỉ có mục đích vận hành để tăng số lượng công bố khoa học của Việt Nam nói chung, bỏ qua tiêu chí về liêm chính khoa học, thì nhà khoa học khi công bố công trình ghi địa chỉ nào ở Việt Nam đều tốt, không ghi cơ quan A mà ghi cơ quan B thì vẫn là "lọt sàng xuống nia".

Nhưng nếu sứ mệnh của Quỹ là "tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao" theo đúng nguyên văn mà Quỹ tuyên bố, thì Quỹ cần có trách nhiệm đưa ra giải pháp góp phần đưa việc công bố khoa học trở lại quỹ đạo đúng đắn.

TS Nguyễn Bảo Huy bình luận: “Nếu dung túng, hoặc chỉ đơn giản là không quan tâm đến các hành vi mua bán công bố khoa học thì việc này sẽ phá nát môi trường nghiên cứu, đi ngược lại chuẩn mực quốc tế, làm hạ thấp năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, làm giảm chất lượng nghiên cứu và suy yếu nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao. Tóm lại là đi ngược lại sứ mệnh với đất nước mà Quỹ đã nhận và tuyên bố”.

Niềm tin - cơ chế vận hành nền khoa học

TS Nguyễn Bảo Huy giải thích, nền khoa học của thế giới vốn dĩ được vận hành dựa trên một thứ tưởng như rất mỏng manh (và thậm chí có thể nói là ngớ ngẩn), nhưng thực ra lại là nền tảng cho nền văn minh nhân loại, đó là niềm tin. Trong giới khoa học người ta gọi là “làm theo thông lệ” (thông lệ, giống như lệ làng, là cái thứ mà cộng đồng tự quy ước và làm theo, chứ không viết thành văn).

Khi nhà khoa học gửi bài báo đến tạp chí, ban biên tập và người phản biện vốn dĩ về cơ bản là tin tưởng vào các tác giả. Họ giả định rằng các tác giả báo cáo trung thực kết quả nghiên cứu, và dựa vào báo cáo đó để đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu xem có phù hợp để công bố trên tạp chí đó hay không. Người đọc, tức là các nhà khoa học khác trong cộng đồng nghiên cứu chuyên môn khi tiếp nhận một công bố thì về cơ bản là cũng tin tưởng rằng công trình đó đã được báo cáo trung thực.

Nếu các tác giả làm giả hoặc bóp méo dữ liệu thì thực tế là rất khó để nhận ra trong quá trình phản biện. Thông thường, những sai phạm này chỉ được phát hiện khi các nhóm khác nghiên cứu sâu và tìm cách tái lập lại các kết quả đó.

“Nếu hệ thống vận hành dựa trên niềm tin thì hậu quả khi phát hiện vi phạm rất lớn. Trên thế giới, nếu nhà khoa học bị phát hiện vi phạm liêm chính học thuật thì sự nghiệp coi như chấm dứt. Ở ta, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn đạo văn, bị phát hiện xong vẫn nhơn nhơn chả làm sao cả, thế nên nói chuyện niềm tin nó mới buồn cười. Khi không tin được nhau người ta mới cố ràng buộc bởi đủ thứ quy định, luật lệ, thủ tục, dấu má, ký cọt… Kết quả của việc đấy lại chỉ làm khổ những người làm ăn đàng hoàng. Còn những kẻ làm bậy thì “đạo cao một thước ma lại cao một trượng”, vì với những người này luật sinh ra là để lách”, TS Nguyễn Bảo Huy chia sẻ.

Cũng từ quan điểm nhìn nhận trên, TS Nguyễn Bảo Huy cho rằng, việc một số nhà khoa học khi tranh luận về việc này cứ viện dẫn "luật", "hợp đồng" ra để nói rằng việc ghi không đúng địa chỉ mình làm việc thì không có gì sai, là do không hiểu hoặc là cố tình không hiểu cách vận hành của hệ thống khoa học.

TS Nguyễn Bảo Huy cũng cho biết: “Thực ra, thế giới khoa học ngày nay cũng chẳng có niềm tin vẹn toàn. Càng ngày giới khoa học chân chính càng phải đối mặt với những chiêu trò ma giáo, và điều đó dẫn đến việc các hiệp hội khoa học và xuất bản khoa học càng ngày càng phải đưa thêm vào những quy định ngày một chặt chẽ hơn để hạn chế tiêu cực. Chuyện "siêu nhân" công bố hàng trăm bài một năm, chuyện mua bán địa chỉ của bài báo... đang bắt đầu được họ quan tâm, đem ra thảo luận, và sẽ sớm có những quy định và chế tài. Tức là sẽ sớm có "luật" như mấy người nhà ta muốn. Nhưng đó là nỗi buồn chứ chẳng phải niềm vui”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.