Nhận tài trợ nhà nước, không ghi đúng địa chỉ làm việc tạo ra sự bất công

30/11/2021 18:00 GMT+7

Việc nhà khoa học ghi địa chỉ làm việc không trung thực trên bài báo đã trở thành một vòng luẩn quẩn, mất kiểm soát, do sự thiếu ý thức về trách nhiệm xã hội của nhà khoa học.

Vì sao làm việc một nơi, địa chỉ ghi một nẻo?

Trong hơn một năm qua, kể từ sau khi báo Thanh Niên đăng tải một loạt bài về việc dùng chiêu trò để xếp hạng đại học, nhiều nhà khoa học bày tỏ lo lắng về việc ngày càng xuất hiện những trường hợp nhà khoa học có hành vi “phi liêm chính” trong việc ghi địa chỉ nơi làm việc trên bài báo quốc tế.

Đó là nhà khoa học làm một nơi nhưng núp dưới danh nghĩa “hợp tác nghiên cứu” để khi công bố bài báo quốc tế lại ghi địa chỉ làm việc duy nhất ở nơi khác. Trong mối quan hệ hợp tác có những điểm đáng ngờ, chẳng hạn như không đến nơi mà mình ghi địa chỉ để làm việc, không hợp tác với bất kỳ ai ở nơi đó trong đề tài liên quan, không tham gia đào tạo học viên cao học hay đào tạo nghiên cứu sinh (tiến sĩ) cho nơi đó…

"Mô hình" nhà khoa học nhận tiền tài trợ của nhà nước với tư cách người của cơ quan A nhưng khi công bố công trình lại ghi địa chỉ cơ quan B.

Doãn Minh Đăng

Nhiều người cũng tỏ ra thông cảm cho các nhà khoa học do chính sách chung của nhà nước cũng như của nhiều đơn vị chưa giúp cho nhà khoa học đủ sống bằng công việc nghiên cứu khoa học đơn thuần. Việc nhà nước có Quỹ Nafosted tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng… là một nỗ lực đáng kể để cải thiện mức thu nhập cho các nhà khoa học, nhưng số người được thụ hưởng tài trợ còn chưa nhiều.

Tuy nhiên, với chi phí tài trợ khá cao (từ 500 - 600 triệu đến hàng tỉ cho một đề tài trong vòng 2 năm), nhiều nhà khoa học cho rằng việc thực hiện sứ mệnh “tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực khoa họccông nghệ quốc gia” mà quỹ đề ra là khả thi. Nhưng trước hiện tượng ghi không đúng địa chỉ làm việc ngay cả với đề tài được nhà nước tài trợ như báo Thanh Niên đề cập ở 2 bài trước, nhiều nhà khoa học không lý giải được động lực nào khiến một số vị phải “thâm canh” trên một bài báo dù đã được nhà nước tài trợ thoả đáng trong mặt bằng đầu tư cho nghiên cứu khoa học hiện nay.

“Ăn tiền 3 nơi”?

TS Doãn Minh Đăng, một nhà khoa học đang làm việc ở Đức gọi hiện tượng trên là “ăn tiền 3 nơi”: cơ quan mình làm việc, nơi nhà khoa học ghi địa chỉ làm việc và Quỹ Nafosted. Trước một số ý kiến cho rằng việc làm này trong điều kiện xã hội Việt Nam là chấp nhận được, TS Đăng đặt câu hỏi: “Các nhà khoa học lý thuyết ở Việt Nam còn nghèo, nên nếu có việc họ mang bài báo khoa học của mình “bán” cho đơn vị khác để kiếm thêm thu nhập, thì số tiền mà họ nhận được cũng chỉ cải thiện chút ít chứ không làm họ giàu lên được. Nên vì vậy mà cộng đồng khoa học trong nước có nhiều ý kiến thông cảm cho họ chăng?”.

Theo TS Đăng, cho dẫu “thông cảm” cho các nhà khoa học có hành vi “bán bài” ngay cả với các đề tài được nhà nước tài trợ tiền làm nghiên cứu là vì nhu cầu mưu sinh thì nhìn ở góc độ ảnh hưởng đến đạo đức của các thế hệ nghiên cứu trẻ, đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại. Một số dữ liệu mà nhóm TS Đăng tìm được cho thấy hiện tượng “ăn tiền ba nơi” có dấu hiệu lan rộng. Có thể có nhiều nhà khoa học trẻ cảm thấy điều đó không bất thường, thậm chí còn vô tư làm theo và nghĩ sẽ chẳng ảnh hưởng đến ai hoặc là mình "dám làm dám chịu".

TS Đăng phân tích: “Trong các trường hợp này, cơ quan mà nhà nghiên cứu làm việc chính thức chắc chắn có thiệt hại (không có tên trong bài báo và vẫn phải chịu trách nhiệm với quỹ tài trợ, có thể còn phải trả lương cho nhân lực lấy giờ làm việc của mình để tạo ra sản phẩm cho đơn vị khác). Còn quỹ tài trợ như Nafosted thì có thiệt hại gì không? Có lẽ nếu chỉ xét nhiệm vụ tài trợ của Nafosted là đưa đến bài báo “của Việt Nam” thì ghi đơn vị này hay đơn vị khác ở Việt Nam cũng không ảnh hưởng đến Nafosted. Nhưng liệu vai trò của Nafosted chỉ đơn giản như thế?”.

Còn TS Ngô Đức Thế, một nhà khoa học đang làm việc ở Anh, cho rằng chủ trì đề tài được Nafosted tài trợ là có sự bảo trợ của đơn vị chủ quản, nơi không những cung cấp điều kiện nghiên cứu (bao gồm cả nhân sự hay thiết bị - đối với những ngành thực nghiệm) mà còn chịu trách nhiệm quản lý đề tài cũng như tính trung thực cũng như chất lượng của nghiên cứu.

Thế nhưng sản phẩm đầu ra lại biến thành của một đơn vị khác thì không những là một sự mâu thuẫn lợi ích mà còn là một sự bất công lớn đối với những đơn vị có đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất nghiên cứu. “Theo thông lệ quốc tế, nơi chỉ đơn thuần tài trợ tiền cho nhà nghiên cứu thì sẽ được ghi nhận trong công trình ở lời cảm ơn, tương tự như các đề tài Nafosted vẫn được ghi trong các bài báo chứ không thể biến thành chủ của công trình”, TS Thế cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.