Nhận thức mới về nguồn lực phát triển kinh tế hậu Covid-19

13/12/2021 19:29 GMT+7

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn nhấn mạnh, biến cố đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải có những nhận thức mới về việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế .

Ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, phát biểu tại hội thảo

ngọc thắng

Chiều 13.12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo T.Ư giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư tổ chức.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn nhấn mạnh, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, đất nước đã đạt được một số kết quả quan trọng.

“Tuy nhiên, biến cố đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức lớn đòi hỏi phải có những nhận thức mới về việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế”, ông Lại Xuân Môn nói.

Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị gắn với 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong đó, tập trung đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp về mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đối với từng nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) nhằm quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong tình hình mới.

Các tham luận cũng phân tích rõ đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả “nhân tài”.

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo T.Ư chỉ đạo tổ chức

ngọc thắng

Các ý kiến làm rõ những yêu cầu nâng cao năng lực kiến tạo, quản trị quốc gia và năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo trên các lĩnh vực.

Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.