(TNO) “Bị cáo rất đau lòng, bao nhiêu nỗ lực nhưng chỉ một bước đi sai là sai toàn bộ”, Phạm Văn Bằng nói trước giờ tuyên án của TAND TP Hà Nội sáng nay.
Các bị cáo nói lời sau cùng trước khi Tòa tuyên án - Hà An
|
6 bị cáo gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt - RPMU thuộc Tổng công ty Đường sắt VN), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên Phó giám đốc RPMU).
6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, điều 281, Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Bằng bị tuyên án 12 năm tù, bị cáo Thái nhận mức án 11 năm tù, bị cáo Lục nhận mức án 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Đông và bị cáo Hiếu đều nhận mức án 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Duy nhận mức án 8 năm 6 tháng tù.
Trước đó, được nói lời cuối cùng trước khi Tòa tuyên án, bị cáo Trần Văn Lục cho biết, bản thân là người có gần 30 năm cống hiến cho ngành đường sắt. “57 tuổi, không ngờ rơi vào tình cảnh này, bị cáo thấy không đáng”, nguyên Giám đốc RPMU dằn vặt.
Liên quan đến hợp đồng ký kết, bị cáo Lục cho rằng trong quản lý dự án có rất nhiều vụ việc là công, nhưng nhìn nhận ở góc độ khác lại khác nhau. “Thời kỳ tổ dự án nhận khoản tiền 11 tỉ đồng, bị cáo không còn làm việc ở đó. Sao bị cáo biết mà không chỉ đạo chấm dứt, thực sự quá tội cho bị cáo. Số tiền 100 triệu cũng thế thôi, bị cáo cũng vô tình. Bị cáo cảm thấy có sự áp đặt, chụp mũ trong vụ việc này. Mong Hội đồng xét xử cân nhắc thấu tình đạt lý để minh oan cho bị cáo”, bị cáo Lục nói.
Còn bị cáo Bằng, giọng đầy đau khổ: “Bị cáo luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong lòng bị cáo không biết là đúng hay sai. Bị cáo rất đau lòng, bao nhiêu nỗ lực nhưng chỉ một bước đi sai là sai toàn bộ. Bị cáo xin nói là xuất phát từ tâm lý cùng tư vấn hoàn thành nhiệm vụ chung được giao, pháp luật quy là có tội, bị cáo đành chịu. Mong Hội đồng xét xử xem xét toàn bộ bản chất vấn đề để phán quyết công minh, khách quan”.
“Tòa xét xử thực sự là đau xót cho bị cáo, lúc bị cáo làm việc, bị cáo nhận được trách nhiệm của mình, bản thân bị cáo có quá trình công tác 28 năm và luôn hoàn thành công việc được giao, cũng như đã cố gắng hết mực, sự việc xảy ra bị cáo không kiểm soát được. Bản thân và gia đình hoàn cảnh, có 2 con nuôi ăn học, mong Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh giảm nhẹ cho bị cáo được đoàn tụ cùng gia đình”, bị cáo Hiếu tha thiết.
Được nói lời cuối trước khi tuyên án, bị cáo Duy nói: “Trong những ngày làm việc vừa qua, bị cáo nhận thức rất sâu sắc có phần trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo có lỗi sai khi tiếp nhận khoản tiền, không tìm hiểu rõ tính hợp pháp, khi sử dụng không theo chế độ tài chính. Cũng vì công việc chung tập thể, không có vụ lợi cá nhân. Bị cáo đã khai báo rất thành khẩn, khắc phục khoản tiền hưởng lợi”.
Bị cáo này dẫn hoàn cảnh nhân thân tốt: sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạnh, ông ngoại là người có công trong kháng chiến, được nhà nước tặng thưởng, bố mẹ là công chức mẫn cán, bản thân luôn hoàn thành tốt công việc… và mong được “Hội đồng xét xử giảm nhẹ tội”.
Là người trẻ nhất trong số các bị cáo, Nguyễn Nam Thái thừa nhận không dành thời gian tìm hiểu kỹ, dẫn đến sai phạm này. “Hoàn cảnh gia đình mẹ già bệnh tật, gia cảnh khó khăn, con cái còn nhỏ. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình. Bị cáo không còn trẻ, chỉ mong bị cách ly khỏi xã hội thời gian ngắn để sớm trở về đóng góp công sức tuổi trẻ của mình cho xã hội”, bị cáo Thái đề nghị.
Bị cáo Trần Quốc Đông cũng mong muốn Hội đồng xét xử hết sức công minh để ra những phán quyết công bằng. “Bị cáo mong Hội đồng xét xử cân nhắc những yếu tố về nhân thân và những đóng góp của bị cáo trong công tác để có những quyết định công bằng cho bị cáo. Nếu bị cáo có tội, bị cáo cố gắng rèn luyện không vấp phải những lỗi trong tương lai”, Trần Quốc Đông hứa.
Bình luận (0)