Nhân tố giúp học trò ham thích tự học

25/02/2025 06:06 GMT+7

Tự học được ví von như một hành trình đẹp, giống như trồng cây, trồng hoa. Để cây lớn, hoa nở đẹp, rực rỡ thật lâu, cần có người hướng dẫn gieo hạt với tất cả kinh nghiệm và yêu thương, đó chính là các thầy cô giáo.

GIÁ TRỊ TỪ NHỮNG CÂU HỎI THẾ NÀO? VÌ SAO?

Nhiều năm trôi qua, nữ nhà văn Gari Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Yến Phượng, 29 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) vẫn nhớ người thầy dạy ngữ văn thời phổ thông của mình ở ngôi trường tại tỉnh Đồng Nai, người luôn đặt câu hỏi "Nếu em là nhân vật đó, em sẽ làm gì?", "Nếu là em, em sẽ xử lý tình huống này như thế nào?". Và khi những bài văn của Gari Nguyễn không đi theo hướng xử lý thông thường của số đông học sinh (HS), người thầy ấy thường khen ngợi: "Em có giọng văn đặc biệt, thử viết thêm đi". Chính cách dạy học khai phóng, những lời động viên, khích lệ học trò ngày đó đã dẫn lối để cô đến với con đường sáng tác và kiên trì viết cho đến hôm nay.

Nhân tố giúp học trò yêu thích tự học - Ảnh 1.

Tiết tập làm văn ngoài vườn trường của cô trò lớp 4/8 Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM

ẢNH: H.N

Hiện tại, Gari Nguyễn đã là tác giả của 13 cuốn sách được xuất bản, nhiều cuốn bán chạy như Nhắm mắt lại, thấy cả bầu trời; Trưởng thành lấy đi điều gì; Đời ngắn đừng khóc hãy tô son; Hẹn nhau ở một cuộc đời khác… Trong đó, cuốn mới nhất có tựa đề Món hàng hiệu mang tên tôi phát hành tháng 2.2025. Nữ nhà văn 9X là HS giỏi suốt 12 năm, là HS giỏi tiếng Anh cấp tỉnh, đậu cùng lúc 2 trường đại học, luôn cho rằng tự học là kỹ năng cần thiết và là thói quen. Phương pháp giáo dục cổ vũ sáng tạo, gợi mở sự tìm tòi của những người thầy giúp cô càng kiên định với thói quen tự học.

"Khi học trung học, tôi là HS giỏi nhưng không phải nhờ những buổi học thêm. Gia đình tôi không đủ khả năng tài chính để cho tôi theo học những khóa học đắt đỏ. Thay vào đó, tôi đọc sách báo ở thư viện để tìm hiểu sâu hơn cho từng môn học. Khi 11, 12 tuổi, tôi đã xin mẹ từng 20.000 đồng đến tiệm internet mỗi cuối tuần để học tiếng Anh trên mạng, tạo blog Yahoo 360! để viết lách dù hồi đó đường truyền chậm chạp, không được nhanh như bây giờ", Gari Nguyễn nói.

Giờ đây, khi đã là một nhà văn với 13 tác phẩm được người trẻ yêu thích, đang sống và làm việc ở thung lũng Silicon (Mỹ), Gari Nguyễn vẫn tiếp tục tự học. Cô tự học, trau dồi ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, văn phong, câu chữ và ý tưởng. Cô tìm tòi các vấn đề từ sự tò mò, tự đặt câu hỏi, đồng thời vẫn thường xuyên tới nhà sách để mua, đọc; học các khóa học trực tuyến, xem những bộ phim đạt giải hay các cuộc trò chuyện với những người đi trước.

"Tôi thích ghi chép, phác thảo ý tưởng trên giấy và thử áp dụng ngay vào công việc. Công nghệ hỗ trợ tôi rất nhiều, từ những khóa học trên Coursera đến những cuộc trao đổi với trí tuệ nhân tạo (AI), từ ChatGPT đến Grok 3 mới nhất. Tự học không chỉ giúp tôi tồn tại mà còn là cách để tôi có thêm nhiều ý tưởng, nhiều nguồn cảm hứng mới. Để tự học trở thành một hành trình ý nghĩa, nhanh chóng và hiệu quả, vai trò của người thầy khai phóng là không thể thiếu. Tôi tin rằng một người thầy giỏi không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức, mà còn cần gieo mầm cảm hứng, khuyến khích học trò ước mơ và khám phá", Gari Nguyễn bày tỏ.

Nhân tố giúp học trò ham thích tự học - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Đình Quân (giữa) trao đổi với các sinh viên trong quá trình nghiên cứu các dự án khoa học

ẢNH: THÚY HẰNG.

NGƯỜI THẦY KHÔNG PHẢI CHỈ CUNG CẤP "DATA"

Câu chuyện tự học ở HS, sinh viên, muốn hiệu quả cần phải bắt đầu từ chính phương pháp giảng dạy của giáo viên (GV). Đó cũng là quan điểm của PGS-TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học và Biomass, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Theo PGS-TS Quân, mỗi nhà trường, mỗi giảng viên, GV cần phải hướng tới việc dạy học là huấn luyện, đào tạo tư duy chứ không phải chỉ cung cấp "data" (dữ liệu) cho HS, vì như vậy là quá lãng phí công sức, thời gian trong thời đại AI đã phát triển vượt bậc. Ông Quân nêu dẫn chứng từ việc đồng hành với con mình - một học sinh trung học ở TP.HCM - trên hành trình con lớn lên, dạy con học hằng ngày. "Con tôi học khá tự do, không có chuyện ép học. Tất nhiên, để thích ứng với các kỳ thi - điều vẫn rất khắc nghiệt, có tính cạnh tranh cao trong bối cảnh hiện tại, thì con vẫn phải đi học thêm. Song chúng tôi không đặt nặng chuyện bằng mọi giá phải đậu vào trường này, trường kia. Trong các câu chuyện hằng ngày, những cuốn sách, bộ phim xem được, chúng tôi đặt ra với con những câu hỏi vì sao và mong nghe được những ý kiến, góc nhìn của con", PGS-TS Quân chia sẻ.

"Huấn luyện tư duy cho người học không phải là quá khó, ngay cả các phụ huynh cũng có thể thực hành hằng ngày với con mình. Ví dụ như cùng con đọc sách, trò chuyện với con, cùng con tìm hiểu, khám phá khoa học, giải thích các câu hỏi "vì sao" để con luôn giữ được đôi mắt tò mò với thế giới xung quanh. Ở góc độ người thầy, cần làm sao để HS, sinh viên cảm nhận rằng đi học phải vui, và nghiên cứu khoa học cũng là những trải nghiệm thú vị", ông Quân nói thêm.

Để làm được điều ấy, theo PGS-TS Quân, giảng viên, GV không nên chỉ cung cấp thông tin mà phải khơi gợi, khai phá tiềm năng của người học, tạo cho các em cảm hứng trong học tập, tìm tòi các kiến thức mới. "Làm được điều ấy, chúng ta sẽ thấy rằng có những học trò xuất sắc hơn thầy cũng là điều không hiếm", ông Quân tin tưởng.

Gia đình cũng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục HS kỹ năng tự học. Để nuôi dưỡng tinh thần và có phương pháp tự học hiệu quả ở những bậc học cao hơn như đại học và hơn thế nữa, HS cần được rèn giũa từ trước khi vào tiểu học và trong suốt quá trình tiểu học. Đó là lý do nhiều chuyên gia giáo dục khuyên rằng mỗi gia đình nên cố định một khoảng thời gian nhất định trong ngày để cùng ngồi với nhau. Cha mẹ đọc sách hoặc làm việc, con chuẩn bị bài hoặc khi không có bài tập nào được giao về nhà, con có thể đọc sách báo, tìm hiểu những kiến thức được thầy cô giáo gợi mở trên lớp. Lâu dài, thói quen này được hình thành, sau này trẻ sẽ tự giác tự học, tìm kiếm thông tin trong sự cổ vũ của cha mẹ.

Khi GV nỗ lực đổi mới, GV và HS đều được hưởng lợi

Không phải đến khi Bộ GD-ĐT triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ cấp tiểu học với mục tiêu HS được phát huy tính chủ động, sáng tạo, thói quen tự học, các GV mới đồng loạt thay đổi phương pháp giảng dạy. Với vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng, từ nhiều năm qua, có nhiều GV chủ động sáng tạo để HS đặt câu hỏi nhiều hơn, phản biện nhiều hơn. Cô Trần Thị Hoài Nghi, GV chủ nhiệm lớp 4/8, Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM là một ví dụ.

Để HS có thể làm một bài tập làm văn tả hoa sinh động, cô và trò cùng ra vườn trường và tự chọn một loại cây mà các em thích. Thế rồi bạn thì ngồi, bạn đứng, thậm chí có bạn nằm để quan sát thật kỹ một cái cây, sau đó mô tả cái cây đó bằng đúng giọng văn của mình. Từ đó hình thành nên những bài văn mang tính riêng biệt.

Hay trong tiết học môn khoa học về sự đa dạng của nấm, cô giáo mang tới lớp cho các HS quan sát các loại nấm thật, gần gũi đời thường như nấm kim châm, nấm đùi gà, nấm rơm…; sau đó chia nhóm để thảo luận, thuyết trình. Cô Nghi cho biết việc đặt câu hỏi, phản biện là cách hay để các em được rèn tư duy. Và để những nội dung này hiệu quả, HS cần đọc sách nhiều hơn, tự tìm hiểu thông tin trước khi tới lớp. Khi GV nỗ lực đổi mới, GV và HS đều là người được hưởng lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.