Kỳ tích từ đảo quốc 'tí hon'
Julien Alfred đã viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại, khi cô mang về cho đảo quốc Saint Lucia tấm HCV lịch sử ở Olympic Paris. Có hai điều đáng nói về Alfred. Thứ nhất, cô chiến thắng nhà vô địch thế giới Sha'Carri Richardson (Mỹ) ở đường chạy 100 m, vốn là nội dung danh giá nhất trong môn điền kinh. Thứ hai, phải đến khi Alfred chiến thắng, có lẽ phần lớn người hâm mộ thể thao thế giới mới lần đầu nghe đến tên quê hương của cô.
Saint Lucia, nơi Julien Alfred cất tiếng khóc chào đời, là quốc đảo nằm trong lòng Đại Tây Dương, phía đông vùng biển Caribe. Đảo quốc này có diện tích 617 km2, chỉ lớn hơn đôi chút so với đảo Phú Quốc của Việt Nam (571 km2). Dân số của Saint Lucia là khoảng 180.000 người. Để so sánh, con số này chưa bằng một nửa dân số quận Đống Đa, TP.Hà Nội.
"Tôi khao khát giúp Saint Lucia có huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử. Đó là kim chỉ nam để tôi nỗ lực. Tôi khao khát đến Olympic để mang về huy chương cho quê hương mình", Alfred từng chia sẻ hồi tháng 8.2023.
Một đảo quốc nhỏ bé, gần như không có dấu ấn thể thao như Saint Lucia, tại sao có thể sản sinh ra một chân chạy có thể đánh bại nhà vô địch đến từ cường quốc đã có hơn 300 huy chương điền kinh như Mỹ? Câu trả lời nằm ở khát vọng vươn lên trong nghịch cảnh đầy phi thường của chính Alfred.
Khát vọng của cha
Julien Alfred lớn lên với giấc mơ điền kinh trên đôi chân trần, ở thủ đô Castries của đảo quốc nhỏ bé Saint Lucia nằm khép mình ở vùng biển Carribe. Khác với những VĐV chuyên nghiệp được ăn tập từ nhỏ, chân chạy sinh năm 2001 chỉ... chạy chay. Không giày, không có đường chạy chuyên dụng, chỉ có giấc mơ điền kinh được thắp lửa từ người cha Julian Hamilton.
Biến cố đến với Alfred ở tuổi 12, khi cha cô qua đời. Alfred suy sụp tinh thần và từ bỏ giấc mơ trên đường chạy. Tuy nhiên, điền kinh không chịu rời bỏ Alfred. 2 năm sau, cô quyết định rời quê hương Saint Lucia để đến Jamaica, quê hương của thần tượng Usain Bolt.
"Tôi đã có cơ hội để tới Jamaica. Đến nơi có Usain Bolt là cơ hội không thể chối từ. Tôi muốn đến đó và mẹ tôi đã gật đầu đồng ý. Mẹ không bảo rằng tôi không được đi. Mẹ chỉ nói nếu tôi muốn, hãy cứ làm như thế", Alfred nhớ lại.
Alfred đã đến Jamaica với đôi bàn tay trắng. Không gia đình và bạn bè, trong hành trang chỉ có giấc mơ điền kinh cháy bỏng được thắp lên bởi người cha quá cố, và giờ Alfred là người giữ lửa.
Bước ngoặt đến với Julien Alfred, khi tài năng của cô được phát hiện trong thời gian VĐV này theo học tại ĐH Texas (Mỹ). Chân chạy sinh năm 2003 nhanh chóng được tuyển vào đội điền kinh ĐH Texas, nơi cô được rèn giũa bởi HLV Edrick Floreal, người từng đào tạo nên nhà vô địch 100 m châu Âu Dina Asher-Smith. Là cô gái rụt rè, nhút nhát, nhưng Alfred đã được khai phá tiềm năng hoàn hảo dưới bàn tay huấn luyện của Floreal.
"Ông ấy là người cha, người cố vấn và là HLV của tôi. Thi đấu điền kinh ở cấp độ đỉnh cao luôn đi kèm với áp lực. Tôi trân trọng những gì Floreal đã làm, không chỉ bởi quan điểm huấn luyện, mà còn với tư cách con người. Ông ấy coi tôi là con người thực sự, chứ không thuần túy chỉ là VĐV", Alfred nhấn mạnh.
Để rồi, suốt 5 năm ở đường chạy cấp độ học đường ở Mỹ, Julien Alfred đã gặt hái vô số thành tích. Ở sân chơi vô địch điền kinh sinh viên toàn nước Mỹ (NCAA) mùa giải 2021 - 2022 và 2022 - 2023, Alfred đã thắng ở các nội dung 100 m và 4x100 m (sân chơi ngoài trời) và nội dung 60 m, 200 m (sân chơi trong nhà).
Nghị lực phi thường
Tuy nhiên, khác biệt của Julien Alfred nằm ở chỗ: cô đã phát triển bản thân từ một chân chạy thuần túy ở giải học đường để tiến lên chuyên nghiệp. "Đó là sự điều chỉnh khó khăn mà nhiều đứa trẻ không làm được, khi có rất nhiều trở ngại. Alfred quá tài năng", HLV Floreal chia sẻ về học trò.
Khối nghị lực khổng lồ của cô gái từng chạy chân trần trên những bờ cát ở Saint Lucia đã đưa Alfred từng bước tiến đến đỉnh cao.
Sau khi hoàn thành sự nghiệp đại học, cô đã đánh bại Richardson ở nội dung 100 m tại giải vô địch điền kinh Istvan Gyulai ở Szekesfehervar, Hungary.
Đến giải vô địch điền kinh thế giới 2023 ở Budapest, Hungary vào tháng 8 năm đó, Alfred xuất sắc lọt vào vòng chung kết 100 m nữ và về đích ở vị trí thứ năm, chậm hơn 0,28 giây so với Richardson, người đã thắng chung cuộc. Ngoài ra, cô về đích thứ tư ở nội dung 200 m, sau Shericka Jackson của Jamaica và các VĐV Mỹ Gabrielle Thomas và Richardson.
Chiến tích đó tiếp tục kéo dài đến năm 2024, khi Alfred chiến thắng ở nội dung 60 m tại giải vô địch điền kinh trong nhà thế giới vào tháng 3, đạt thành tích 6,98 giây, mang về cho Saint Lucia huy chương đầu tiên tại cuộc thi này. Tại Prefontaine Classic ở Eugene, Oregon vào tháng 5, cô đã về nhì ở nội dung 100 m, chỉ chậm hơn Richardson một phần mười giây.
Thành công hôm nay của Julien Alfred đến từ nỗ lực không ngừng nghỉ, chứ không phải khoảnh khắc lóe sáng nhất thời. "Chỉ cần 11 giây định mệnh, Julien Alfred đã chạm đến ước mơ", USA Today nhận định.
"Tôi luôn tin rằng mọi khổ đau chẳng thể sánh bằng tiềm năng tỏa sáng luôn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta", Alfred khẳng định.
Ở thế giới bên kia, Julian Hamilton sẽ rất tự hào về con gái của mình!
Bình luận (0)