Nhân tố mới trên mặt trận an ninh biển

02/06/2018 06:00 GMT+7

An ninh biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La (SLD) hôm qua 1.6 tiếp tục là đề tài nóng với phạm vi được nới rộng ra Ấn Độ Dương.

Sự quan tâm của giới quan sát về vấn đề an ninh biển và các chuyển động quốc phòng, ngoại giao liên quan tại diễn đàn năm nay không còn tập trung quanh vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, khái niệm về cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) gần như chiếm lĩnh nghị trình.

Chủ thuyết về một cấu trúc an ninh biển bao gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương do Mỹ đóng vai trò chủ đạo với sự tham gia của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc không mới, nhưng được “hồi sinh” bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump từ cuối năm 2017 hẳn không phải là ngẫu nhiên khi “bản đồ” của nó gần như trùng khớp với “Con đường tơ lụa trên biển”, một phần trong chiến lược “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Indo-Pacific vì vậy được giới quan sát cho là có chủ đích ứng phó Bắc Kinh, và nếu trở thành hiện thực sẽ đặt New Delhi vào vai trò chiến lược đặc biệt.

Chủ đề này trở nên sôi nổi tại SLD năm nay hẳn còn do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được chọn là người phát biểu khai mạc diễn đàn và việc Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) tồn tại hơn 7 thập niên qua thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IndoPACOM) hôm 31.5.

Hồ nghi

Bên lề diễn đàn, đại đa số các nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm Indo-Pacific vẫn còn mơ hồ nên khó thu hút sự ủng hộ, tham gia của các quốc gia khác. Chưa hết, bên cạnh Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có thể xem là “có lý tưởng chung” thì Úc lại có phần gần gũi với Trung Quốc về kinh tế, chuyên gia quan hệ Ấn – Trung P.S.Suryanarayana của Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) nói với Thanh Niên.

Một chuyên gia Bộ quốc phòng Singapore, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018 cũng nói với Thanh Niên rằng nước này “không biết nội dung của Indo-Pacific là gì” và lo ngại “vai trò trung tâm của ASEAN có thể bị ảnh hưởng”.

“Đại dương của hòa bình và thịnh vượng”

Thủ tướng Modi hẳn hiểu rõ các nghi ngại nói trên nên mở đầu bài phát biểu tối 1.6 ông đã nói về vai trò huyết mạch của Ấn Độ Dương đối với sự thịnh vượng của cả khu vực và thế giới. Ông chỉ ra nhu cầu hợp tác tự nhiên để bảo vệ sự liền lạc giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, chứ Indo-Pacific không phải là “một câu lạc bộ của vài thành viên”. Như để trấn an Trung Quốc, ông Modi nói: “Một châu Á với những thù nghịch sẽ kéo lùi cả khu vực, trong khi hợp tác sẽ định hình nên thế kỷ”.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng xác quyết vị trí không thể thiếu của ASEAN nếu cấu trúc Indo-Pacific thực sự hình thành và khẳng định vai trò trung tâm của khối sẽ được bảo toàn. Ông lặp đi lặp lại các nguyên tắc như trật tự thượng tôn pháp luật, bình đẳng, đa phương trong hợp tác.Ông phác thảo viễn cảnh một vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, tự do và rộng mở nếu các nước hợp tác trên tinh thần ông nêu ra.

Bình luận với Thanh Niên, chuyên gia cao cấp Alexandrer Neill của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, đơn vị tổ chức SLD, đánh giá bài phát biểu của ông Modi “hùng hồn”, “chặt chẽ” và “thuyết phục”. “Dù vậy, tôi mong muốn nhà lãnh đạo Ấn Độ nói rõ hơn về các mục tiêu chính sách thực tế về Indo-Pacific trong tổng thể chiến lược Hành động hướng Đông của mình”.

 

Mỹ cam kết “sắt đá” với ASEAN

Hôm qua, bên lề SLD, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN. Bộ quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết tại cuộc gặp, ông Mattis tái khẳng định Mỹ duy trì quan hệ “sắt đá” với ASEAN và đặt toàn khối vào trung tâm tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trước đó, trong cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Mattis cho biết Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên.

Hôm nay 2.6, ông Mattis sẽ có bài phát biểu Sự lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu trong phiên thảo luận Định hình trật tự an ninh đang biến chuyển ở châu Á cùng người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu và nữ Bộ trưởng Úc Marise Payne.

 
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch hội đàm với người đồng cấp Mỹ Mattis Trung Minh

 


 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.