Cảnh sát Thụy Sỹ bắt các quan chức FIFA theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ - Ảnh: Reuters
|
Đầu tiên, giữa Mỹ và Thụy Sỹ có hiệp ước về dẫn độ tội phạm. Cảnh sát Thụy Sỹ bắt tội phạm trên biên giới nước họ là chuyện thường. Và với hiệp ước giữa hai nước, cảnh sát Thụy Sỹ bắt tội phạm dựa trên lệnh truy tố của Bộ Tư pháp Mỹ là bình thường.
Theo New York Times, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu điều tra FIFA kể từ sau khi Qatar thắng Mỹ trong cuộc vận động giành quyền đăng cai World Cup 2022 vào tháng 12.2010. 18 cái tên nêu trong cáo trạng đều từ châu Mỹ: 3 người Brazil, 3 người Argentina, 3 người Trinidad & Tobago, 2 người Mỹ và 1 người từ các nước sau: Uruguay, Paraguay, Venezuela, Nicaragua, Costa Rica và Cayman Islands. Có 1 người Anh, Costa Takkas, là cựu tổng thư ký LĐBĐ Cayman Islands.
Chắc chắn rằng các quan chức FIFA tham nhũng và dính vào các bê bối không chỉ xuất thân từ châu Mỹ, mà còn từ các châu lục khác. Nhưng những quan chức bị Mỹ điều tra đều xuất thân từ châu Mỹ là vì họ cũng là quan chức của CONCACAF (Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribbe) hoặc có liên quan mật thiết với tổ chức này. CONCACAF đặt trụ sở ở thành phố Miami (Mỹ), hoàn toàn nằm trong phạm vi điều tra của FBI.
Chuck Blazer nhận làm "tay trong" cho FBI - Ảnh: AFP
|
Nhân vật trung tâm trong cuộc điều tra này là Chuck Blazer, người Mỹ sinh năm 1945, ủy viên thường vụ FIFA từ năm 1996 đến tháng 4.2013, tổng thư ký CONCACAF từ năm 1990 đến 2011. Ông này bị FBI để mắt đến từ lâu với các hoạt động rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng… FBI đã gặp và thuyết phục Chuck Blazer làm “tay trong” cho cuộc điều tra của họ, đổi lại là một mức án tù thấp hơn khi vụ án được đưa ra ánh sáng.
Chuck Blazer đồng ý, theo chỉ dẫn của FBI đeo các thiết bị ghi âm hiện đại đến các cuộc họp của FIFA, gửi email dàn xếp công việc với các nhân vật mà FBI nhắm đến. Qua Chuck Blazer, FBI không chỉ điều tra những gì thiếu minh bạch trong cuộc vận động đăng cai World Cup 2022 mà còn điều tra một loạt bê bối khác ở FIFA từ năm 1990 đến nay, đưa ra kết quả là các quan chức FIFA bị điều tra đã nhận tổng cộng 150 triệu USD hối lộ trong 25 năm qua.
Ông Blatter không có tên trong bản cáo trạng - Ảnh: AFP
|
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter không có tên trong bản cáo trạng vừa ra của FBI nhưng từ năm 2011 đến nay, Blatter chưa hề đến Mỹ. Nhiều người cho rằng ông ta ngại đến đó vì có thể bị giữ lại. Không ai rõ FBI còn những gì trong “tay áo” của họ nữa, có thể là rất nhiều. Việc họ cùng Thụy Sỹ phối hợp bắt người FIFA chỉ 2 ngày trước khi diễn ra cuộc họp đại hội đồng để bầu cử chủ tịch FIFA cho thấy FBI tính toán rất kỹ về mặt thời điểm nhằm đánh một cú chí mạng vào tổ chức vốn mang tiếng xấu về sự minh bạch từ bấy lâu nay.
FIFA khẳng định cuộc họp đại hội đồng và bầu cử chủ tịch vẫn diễn ra vào ngày 29.5 theo kế hoạch. 209 liên đoàn thành viên (mỗi đoàn có 3 người được mời chính thức) đã lũ lượt kéo đến Zurich. Cuộc họp có thể vẫn theo kế hoạch nhưng không khí ở đó có lẽ là rất buồn thảm.
Bình luận (0)