Nhân vật nổi tiếng 'người chép sử bằng đèn cổ' ở Việt Nam là ai?

17/06/2022 10:11 GMT+7

Hôm nay 17.6, Thánh lễ an táng linh mục Nguyễn Hữu Triết, vị "thần đèn cổ" nổi tiếng Việt Nam được cử hành tại Nhà thờ Tân Sa Châu, sau đó thi hài cha đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (TP.HCM).

Ít ai biết linh mục Nguyễn Hữu Triết (1945-2022) - Chánh xứ Tân Sa Châu (Q.Tân Bình TP.HCM) người được mệnh danh vị "thần đèn cổ" Việt Nam đến với nghề sưu tầm cổ vật như một... định mệnh. Khi có vị giáo xứ già đột ngột qua đời, ông tiến hành dọn dẹp lại căn phòng cho người đã khuất thì vô tình nhìn thấy sáu chiếc đèn dầu “báu vật”, từ đó linh mục bắt đầu tò mò tập tành đến với nghề sưu tầm ngọn đèn dầu xưa, để rồi sau 30 năm, ông trở thành một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Lư hương gốm men nâu thế kỷ 17 – 18 Phù Lãng – Bắc Ninh

Những chiếc đèn dầu với nhiều kiểu dáng lạ mắt, chạm trổ tinh xảo và độc đáo

T.L

Ngoài nhà sưu tập được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam mệnh danh là "vị thần đèn cổ", hay là "người chép sử bằng đèn cổ" nổi tiếng Việt Nam, linh mục Nguyễn Hữu Triết còn sở hữu nhiều loại cân quý hiếm, không dễ gì ai có. Được biết, cân là dụng cụ đo trọng lượng hoặc tính toán khối lượng, đã xuất hiện từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, chiếc cân dần được hoàn thiện và phát triển với nhiều loại hình khác nhau như: cân đĩa, cân đòn gánh, cân bàn, cân tiểu ly, cân điện tử…

"Người làm ve chai lông vịt" vĩ đại

Khi du nhập vào Việt Nam thì những chiếc cân đã được cải biến để phù hợp với tập quán thương mại của người Việt. Đi kèm với chiếc cân còn có những quả cân với nhiều kích cỡ, trọng lượng nhằm phục vụ tối ưu cho nhu cầu đo lường. Bên cạnh chức năng sử dụng, một số quả cân bằng kim loại của các nước Đông Nam Á còn có giá trị mỹ thuật khi được đúc thành nhiều hình tượng động vật khác nhau, hoặc quả cân bằng gốm của Trung Quốc có kèm theo dòng chữ Hán như là kim chỉ nam trong việc buôn bán “Công bình giao dịch, Thiên lý lương tâm”.

Có thể nói, chiếc cân cha Triết đang sở hữu không chỉ là hiện vật kể lại dấu ấn thương mại của thời quá khứ mà nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác về cho sự công bằng công tâm, ngay thẳng minh bạch trong cuộc sống của con người.

Trong thờ cúng, lư hương, bát nhang là loại hình không thể thiếu không chỉ trên bàn thờ thần, Phật trong đình, đền, chùa, miếu, mà ngay cả trong phong tục thờ cúng tại gia. Những chiếc lư hương rất đa dạng về hình dáng, phong phú về chất liệu cũng được cha Triết tìm mua.

Trong đó chất liệu hợp kim đồng và gốm men khá phổ biến vì dễ chế tác và có độ bền cao. Lư thường có dạng hình khối chữ nhật hoặc dạng tròn, mỗi thời kỳ được trang trí đồ án, hoa văn đặc trưng, nên những chiếc lư hương không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, văn hóa mà cả ý nghĩa lịch sử. Hiện vật giới thiệu trưng bày gồm các loại lư hương, bát nhang gốm thời Trần (thế kỷ 13-14); thời Mạc (thế kỷ 16-17); lư hương gốm Thổ Hà (thế kỷ 17-18) và lư đồng thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Chuyên đề Sưu tập Nguyễn Hữu Triết – Tâm huyết một đời người giới thiệu “kho báu” cổ vật ngàn năm độc đáo đất phương Nam vừa tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

QUỲNH tRÂN

Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc (phải) và ông Phạm Trung Hậu - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (trái) tặng hoa cho đại diện nhà sưu tập Nguyễn Hữu Triết tại lễ khai mạc

bảo tàng lịch sử tp.hcm

Theo truyền thuyết, tục ăn trầu của người Việt có từ thời vua Hùng. Dụng cụ ăn trầu sớm nhất còn tồn tại đến nay có niên đại từ thời Lý – Trần. Hiện vật hiện cha Triết đang sở hữu là các loại bình vôi, ống vôi, xà tích, chìa vôi, dao, ô trầu, ống nhổ, cối, chìa ngoáy, hộp đựng… với chất liệu chủ yếu là gốm và kim loại. Trong đó, bình vôi là vật dụng không thể thiếu và có vai trò quan trọng trong phong tục ăn trầu của người Việt.

Tùy theo kích thước, công năng và đặc điểm mà bình vôi có sự khác nhau về không gian và đối tượng sử dụng: bình vôi dùng trong sinh hoạt (gia đình và cộng đồng); bình vôi dùng cho giới quý tộc hoặc bình dân; loại ống vôi thường được mang theo khi đi ra ngoài. Nhiều bình vôi ngoài tính công năng còn thể hiện giá trị nghệ thuật cao qua kỹ thuật, mỹ thuật trang trí.

Cố linh mục Nguyễn Hữu Triết

ông nguyễn văn phẩm cung cấp

Đèn tráng men Aladin trên 200 tuổi

Một góc bộ sưu tập đèn cổ

Đèn dầu lạc Indonesia thế kỷ 16-18

Đèn dầu Oliu Israel đầu thế kỷ 21

VIETKINGS

Gắn bó thân thiết 21 năm với nhà sưu tập Nguyễn Hữu Triết, cùng đàm đạo uống trà gần như mỗi ngày Phó chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM Nguyễn Văn Phẩm vô cùng thương tiếc, quá đau buồn trước sự ra đi của cha. Dù có trong tay số lượng hiện vật khủng và giá trị để lại cho muôn đời sau nhưng cha Nguyễn Hữu Triết luôn khiêm tốn. Vị linh mục không bao giờ khoe gì về mình mà chỉ nhận là "người làm ve chai lông vịt", nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi.

Tiễn biệt "vị thần đèn cổ" - linh mục Nguyễn Hữu Triết, ông Nguyễn Văn Phẩm nói như khóc: “Biết rằng cha đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng rời bỏ cõi tạm trần gian này nhưng người ở lại thì nhớ thương và đau đớn. May mắn là vừa rồi chúng tôi và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng tổ chức được một triển lãm hoành tráng cuối đời. Rồi công trình ấp ủ tập hợp các bài viết 70 năm cuộc đời theo ý nguyện của cha cũng vừa hoàn thành và xuất bản xong. Mọi thứ đủ đầy rồi nhưng giờ ở cõi trần lại vắng bóng cha, thương nhớ ông vô cùng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.