Những ngày đầu năm 2010, bà G. (ngụ xã Định An, H.Gò Quao, Kiên Giang) nhận được nhiều ánh mắt và lời xì xầm khó chịu từ các đồng nghiệp. Bà G. tìm hiểu mới hay các tin bà nhắn từ máy di động cá nhân cho hai đồng nghiệp nam (cùng công tác trong ngành bưu chính viễn thông) đã bị “rò rỉ” ra ngoài. Bà G. truy lùng thì phát hiện người tiết lộ các tin nhắn từ thuê bao của bà chính là bà Nguyễn Thị Kim Bình, giao dịch viên Bưu điện Gò Quao. Không những thế, bà Bình còn tùy tiện đưa cô H. vào bưu điện mở mạng quản lý xem các tin nhắn giữa bà G. và ông X. là chồng cô H.
Tại điểm d khoản 2, điều 12 Luật Công nghệ thông tin được QH thông qua ngày 29.6.2006, quy định: các hành vi bị cấm trong đó có hành vi cung cấp, sử dụng thông tin xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân. |
Uất ức vì cuộc sống gia đình bị xáo trộn, hứng chịu nhiều lời đàm tiếu nên ngày 14.1, bà G. làm đơn khiếu nại. Ngày 28.1, ông Nguyễn Văn Bảnh, Giám đốc Bưu điện Gò Quao, có công văn trả lời bà G. với nội dung: Bưu điện huyện đã kiểm tra ca trực ngày 10.1.2010 tại giao dịch trung tâm. Giao dịch viên ở đây có đăng nhập vào thuê bao của bà G. nhưng không có phiếu yêu cầu từ phía chủ thuê bao là sai. Ngành đã có cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, cảnh cáo giao dịch viên trước toàn đơn vị và thông báo toàn bưu điện huyện.
Sau khi nhận công văn từ phía bưu điện, bà G. không đồng ý vì cho rằng công văn quá sơ sài, không nói rõ giao dịch viên là ai. Sau đó, ngày 2.2, ông Bảnh có thư trả lời bổ sung nêu do sơ suất ngành bưu điện xin nhận sai sót khi trả lời khiếu nại trước đó của bà G. mà không ghi rõ họ tên giao dịch viên vi phạm. Nay bưu điện huyện xin bổ sung họ tên giao dịch viên vi phạm là bà Nguyễn Thị Kim Bình để bà G. biết, mong bà thông cảm!
Một lần nữa bà G. không chấp nhận vì cho rằng mức xử phạt cảnh cáo nói trên là quá nhẹ so với thiệt hại tinh thần mà bà gánh chịu. Mặt khác, bà Bình vẫn chưa có động thái thiện ý nào nên bà G. tiếp tục khiếu nại. Ngày 12.3, Bưu điện Gò Quao có công văn trả lời vẫn giữ mức kỷ luật cảnh cáo với bà Bình.
Bà G. cho biết sự việc xảy ra lâu nhưng mãi đến ngày 1.4 và ngày 4.4, bà Bình mới chịu viết các tờ cam đoan hứa không tái phạm gửi tới bà G. nhưng lời lẽ cũng chung chung. Nội dung tờ cam kết bà Bình thừa nhận vào lúc 18 giờ 15 ngày 10.1.2010, trong ca trực có vào xem tin nhắn từ số máy di động của bà G. dù chưa có yêu cầu. Bà Bình "vô tư" cho rằng khi cho cô H. xem đã căn dặn xem để biết thôi chứ không nên tiết lộ với ai. Sau đó về nhà, cô H. cằn nhằn chồng là ông X. thế nào thì bà không biết. Bà Bình còn giải thích lý do vào xem tin nhắn của bà G. bởi tò mò nghe chuyện xảy ra giữa bà G. và ông T...
Trong quá trình đi khiếu nại, bà G. còn phát hiện chồng bà Bình là ông Huỳnh Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ chăm sóc khách hàng Đài viễn thông Gò Quao, cũng tùy tiện truy cập xem lén tin nhắn cá nhân giữa bà G. và ông T. Từ đó, phía gia đình ông T. có nhiều điều tiếng không hay với bà G. Ngày 11.5, bà G. đã làm đơn tố cáo gửi Bộ Thông tin - Truyền thông, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, Bưu điện tỉnh Kiên Giang, Công an tỉnh Kiên Giang về việc bà Bình và ông Tuấn tự ý truy cập xem và phát tán thông tin cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hạnh phúc gia đình bà.
Ngày 26.5, ông Tuấn đã bị cơ quan xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì tùy tiện truy cập thông tin khách hàng khi chưa được yêu cầu.
Có dấu hiệu tội hình sự Còn theo luật sư Nguyễn Đăng Vỹ, đoàn luật sư TP.HCM, người bị xem trộm tin nhắn có quyền khởi kiện giao dịch viên bưu điện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu những tin nhắn đó bị phát tán ra ngoài làm ảnh hưởng hoặc mất uy tín, danh dự người đó. Thiệt hại bao gồm 2 khoản: vật chất (phải chứng minh, có chứng cứ) và tinh thần (theo quy định của pháp luật)... |
Thanh Dũng
Bình luận (0)