Nhân viên y tế công ở TP.HCM gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn tư

11/10/2024 12:56 GMT+7

Thông tin trên được bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết tại hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tại TP.HCM vào ngày 11.10.

Theo bác sĩ Thành Long, Sở Y tế TP.HCM đã nghiên cứu về hiểu biết và thực trạng sử dụng dịch vụ sức khỏe tâm thần tại TP.HCM đối với 382 nhân viên y tế tuyến thành phố, tuyến quận huyện, tư nhân và trường đại học. Người nhỏ tuổi nhất là 18, lớn nhất là trên 60 tuổi.

Kết quả cho thấy có gần 20% nhân viên y tế trầm cảm, 22,8% lo âu và 14,2% căng thẳng. Đây là 3 nhóm sức khỏe tâm thần cần được can thiệp.

Gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, nhân viên y tế tự giải quyết

Đặc biệt, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự khác biệt nguy cơ về sức khỏe tâm thần trong các cơ sở y tế. Cụ thể, nhân viên y tế tại tuyến quận huyện có nguy cơ trầm cảm cao hơn tuyến thành phố, tư nhân và trường đại học.

Nhân viên y tế trẻ tuổi (18 - 39), có trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng và làm việc tại cơ sở y tế tuyến quận huyện thì có nguy cơ lo âu cao hơn tuyến thành phố, tư nhân. Nhân viên y tế trẻ tuổi (18 - 39 tuổi) làm việc tại cơ sở y tế tuyến quận huyện có nguy cơ căng thẳng cao. Nhân viên y tế tuyến công lập có nguy cơ trầm cảm, lo âu và căng thẳng cao hơn tuyến tư nhân.

Nhân viên y tế công ở TP.HCM gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn tư- Ảnh 1.

Nhân viên y tế công lập gặp rất nhiều áp lực trong công việc

ẢNH: DUY TÍNH

Tuy vậy, bác sĩ Thành Long đánh giá sự hiểu biết, nhận thức đúng… về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế còn rất thấp.

Khi gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, hầu hết nhân viên y tế tập trung vào tự chăm sóc thể chất, tự mình giải quyết (ngủ đủ giấc, tập thể dục…) hơn là tập trung vào nhận diện cảm xúc (tập trung vào mặt tích cực). Tỷ lệ tìm kiếm sự hỗ trợ còn thấp, hầu hết là chia sẻ cùng cha mẹ, anh chị em trong gia đình; người yêu; người có chuyên môn trị liệu tâm lý.

Rào cản trong chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên y tế và giải pháp

Bác sĩ Thành Long đã chỉ ra 3 rào cản lớn đối với chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế hiện nay.

Thứ nhất là định kiến xã hội. Nhân viên y tế không muốn các vấn đề sức khỏe tâm thần của mình bị ghi lại trong hồ sơ cá nhân; lo lắng người khác biết mình như vậy. Thứ hai là thái độ của bản thân, đó là muốn tự mình giải quyết vấn đề của bản thân và nghĩ rằng vấn đề có thể sẽ tự tốt lên. Rào cản thứ ba là không biết có thể nhận hỗ trợ chuyên nghiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở đâu, cũng như không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ này.

Nhân viên y tế công ở TP.HCM gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn tư- Ảnh 2.

TP.HCM đã thiết lập được bản đồ dịch vụ tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân và nhân viên y tế

ẢNH: DUY TÍNH

Từ thực trạng trên, nghiên cứu của Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất các giải pháp. Ở góc độ cá nhân, nhân viên y tế cần dũng cảm tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, cũng như sử dụng các dịch vụ và tìm kiếm tài liệu liên quan.

Ở góc độ tập thể, nghiên cứu nhấn mạnh chính sách cải thiện thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế TP.HCM. Có những lớp chia sẻ kiến thức sức khỏe tâm thần miễn phí cho nhân viên y tế. Xây dựng những phòng thư giãn cho nhân viên y tế tại nơi làm việc…

Đặc biệt, TP.HCM đã lập bản đồ dịch vụ tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người, trong đó có nhân viên y tế. Chỉ cần quét mã QR code, bản đồ sẽ hiển thị và đường đi đến các phòng khám, bệnh viện, tổ chức/đơn vị tâm lý chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Nhân viên y tế khỏe mạnh thì sẽ nâng cao sức khỏe cộng đồng

Tại hội thảo, Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng nhận định, nhân viên ngành y tế thường đối mặt với nhiều áp lực nặng nề gánh nặng trong công việc dẫn đến căng thẳng, lo âu. Vì vậy, sức khỏe rất quan trọng với nhân viên y tế .

Ông nhấn mạnh, hệ thống y tế đạt được chất lượng tốt thì cân người nhân viên y tế khỏe mạnh cả thể chất, tâm thần. Do vậy, từ năm 2023, Sở Y tế đã triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, trong đó có cấp cứu trầm cảm dành cho nhân viên y tế, thiết lập phòng thư giãn tại cơ sở y tế…

Nhân viên y tế công ở TP.HCM gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn tư- Ảnh 3.

Phòng thư giãn tinh thần cho nhân viên y tế Bệnh viện H.Bình Chánh, TP.HCM thành lập từ ngày 26.4 vừa qua

ẢNH: T.D

Phát biểu tại hội thảo, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, khẳng định: Nhân viên y tế là cốt lõi của sức khỏe cộng đồng vì hàng ngày họ dành nhiều thời gian để chăm lo sức khỏe cho người khác mà đôi khi quên đi sức khỏe của chính mình. Bằng chứng quan sát thấy rất rõ, nếu có thể chăm sức khỏe thật tốt cho nhân viên y tế thì lúc đó họ mới có sự hài lòng về công việc, cũng như xây dựng sự vững mạnh của hệ thống y tế, từ đó nâng cao sức khỏe cả cộng đồng...

Hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tại TP.HCM do Sở Y tế TP.HCM phối hợp tổ chức Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và một số đơn vị liên quan tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. Hội thảo cũng nhằm hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới (10.10) với chủ đề: Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.