Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, doanh nghiệp (DN) vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. DN lữ hành thì đến 95% dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú tại Hà Nội và TP.HCM rất thấp, chỉ đạt khoảng 10%, nhiều khách sạn 4 - 5 sao hoạt động rất khó khăn.
Các cơ sở lưu trú chuyên đón khách quốc tế phải đóng cửa trong thời gian dài từ tháng 3 đến nay và còn dự báo tiếp tục đến hết năm. Hàng loạt cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, nhân viên phải nghỉ việc.
Đáng nói, trong thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ DN và người lao động nhưng với ngành du lịch lại chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Đặc điểm của ngành này là phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch, nếu không có khách thì không có hoạt động kinh doanh. Có thể thấy các chính sách hỗ trợ hiện nay chủ yếu hỗ trợ về cung, nhưng với ngành du lịch nếu không kích cầu thì hoạt động kinh doanh du lịch sẽ chỉ diễn ra cầm chừng.
Cụ thể, các chính sách hỗ trợ giãn nợ, giãn thuế, phí... có ý nghĩa đối với các ngành sản xuất kinh doanh khác nhiều hơn đối với ngành du lịch vì khi không có hoạt động du lịch thì DN lữ hành, khách sạn... phải đóng cửa, ngừng hoạt động, không phát sinh về khách, không có doanh thu và như vậy thì cũng không được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ trên.
Bên cạnh đó, DN lữ hành cũng gặp khó khăn khi tiếp cận được với các nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng vì bản chất của DN lữ hành là chi hộ, thu hộ, thường không có tài sản thế chấp, do đó ngân hàng xếp DN lữ hành vào đối tượng nguy cơ rủi ro cao.
Trước tình hình này, song song với việc ban hành kế hoạch kích cầu đợt 2, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề xuất một loạt giải pháp cấp bách hỗ trợ DN du lịch.
Cụ thể, bộ này kiến nghị Thủ tướng xem xét ban hành chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12.2021; chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ, khoanh món nợ, khoanh tiền lãi vay và không tính lãi vay quá hạn… Đồng thời, xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020 - 2021 bởi chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN gần như không có tác dụng đối với DN trong ngành. Ngoài ra, các gói hỗ trợ DN và người lao động, như gói 62.000 tỉ đồng cũng cần được tạo thuận lợi hơn về điều kiện, thủ tục để dễ tiếp cận...
Về chính sách tài khóa hỗ trợ, hầu hết các DN đều không đề xuất gì thêm. Song, điều các DN lo lắng nhất là độ trễ của chính sách khá lớn khiến hiệu quả bị hạn chế, không kịp thời, nhiều DN không còn sức để chờ, trở thành DN “ma”.
Lãnh đạo một DN lữ hành hàng đầu Việt Nam mới đây cho hay, gần đến giữa tháng 9, DN này mới nhận được khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/người lao động mà đáng lẽ đã được nhận từ tháng 4 - khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ cho đợt dịch thứ 2. Như vậy, phải đến nửa năm sau thì DN, người lao động mới có thể tiếp cận các gói hỗ trợ. Trong thời gian này, DN phải tự bơi, tự sắp xếp, cân chỉnh, phải tự xoay xở. Do đó, điều mà các DN trông chờ nhiều nhất là có thể nhanh chóng tiếp cận được các gói chính sách hỗ trợ, kịp thời được “bơm ô xy” để đủ sức vượt qua “bạo bệnh”, phục hồi sau đại dịch.
Bình luận (0)