|
Họa vô đơn chí
Ngồi trên chiếc ghế nhựa, đưa mắt nhìn ra đường, bà Trần Thị Huệ, 49 tuổi, vợ ông Thọ, buồn rầu: “Nhìn người ta đi ngoài đường mà thèm. Nhớ ngày xưa, tui đi khắp nơi còn bây giờ bại liệt, nửa người không có cảm giác, sinh hoạt cá nhân cũng phụ thuộc vào chồng”. Năm trước, một lần đạp xe đạp đi chợ mua thức ăn, vì không quan sát kỹ, qua đường đột ngột, bà bị xe máy đằng sau tông phải. Sau hơn hai tháng điều trị vì chấn thương sọ não, bà không những không đi lại được mà phải chi trả hơn 50 triệu đồng viện phí. Chưa kể thuốc men hàng ngày vì biến chứng. Từ lao động chính của gia đình, nay bà Huệ trở thành gánh nặng.
Bằng giọng nói yếu ớt, bà Huệ kể, gia đình bà sống bao đời nay trên sông nước. Chồng bà, ông Thọ bị bệnh hen suyễn đã 20 năm nay. Cách đây 3 năm, gia đình bà cùng hàng trăm hộ khác được nhà nước chuyển đến khu tái định cư vạn đò ở phường Hương Sơ. Chuyển lên trên cạn, không còn đi làm cá, làm cát sạn, bà đi lượm ve chai. Hai người con trai thì ở nhà làm lồng chim. Ba người con gái lấy chồng tận TP.HCM và Quảng Ninh. Cuộc sống tưởng chừng sẽ yên ổn, ai ngờ...
Từ ngày mẹ bị tai nạn, hai người con trai Nguyễn Văn Ty và Nguyễn Văn Ly làm nghề đan lồng chim để kiếm sống và lo thuốc thang cho ba mẹ. Thế nhưng, họa vô đơn chí. Ông Thọ nhìn bàn thờ đứa con trai, mắt ngấn lệ: “Một lần đi lấy nguyên liệu về làm, do không làm chủ tốc độ, Ty đã lái xe đâm vào tường...” . Cứ thế, món nợ mới lo việc ma chay cho Ty chồng chất thêm cùng món nợ tiền chữa bệnh cho bà Huệ trước đó.
Ám ảnh
Từ khi nghề lồng chim tạm ngưng thu mua, Ly phải về dưới Truồi (huyện Phú Lộc) làm thuê. Cả tháng Ly mới về thăm nhà một lần. Chứng kiến mẹ và em trai bị tai nạn giao thông, Ly dù đã 24 tuổi nhưng không dám đi xe đạp và đi xe máy. Bây giờ, Ly phải lo hết mọi việc trong nhà từ tiền sinh hoạt đến thuốc thang của vợ chồng ông Thọ và trả nợ. “Tui sợ lắm. Đi mô cũng thích đi bộ. Ai chở đi là chạy thật chậm. Ngồi sau tôi quan sát xe cộ khắp phía”, Ly chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tế, hàng xóm gia đình ông Thọ, cho biết: “Mọi người ở đây đều là dân sông nước cả nên ai cũng khó khăn. Nhưng thấy hoàn cảnh gia đình ông Thọ éo le quá nên nhà nào có cái gì cũng hay sang cho, có rau cho rau, có cá cho cá…”.
Ông Thọ ngồi săm soi những chiếc lồng chim còn dang dở của người con trai xấu số, vừa thổn thức: “Thằng Ty giỏi lắm. Ngày nó còn sống, tôi hay phụ giúp nó làm nhưng nó nói tui bị bệnh, ngồi cho khỏe. Nó nói để con tiết kiệm tiền mua cho mẹ chiếc xe lăn, đẩy mẹ ra ngoài sân, ngoài đường nhìn đất trời. Vậy mà... Tất cả đã muộn màng”.
Nhìn căn nhà với những bức hình của người con cùng những vật dụng làm nghề của con, đôi mắt người mẹ giọt ngắn giọt dài lăn trên khuôn mặt kham khổ. Giá như ngày ấy, bà và con trai cẩn thận hơn khi đi đường, có lẽ mọi việc đã khác đi…
Hãy kể cho chúng tôi câu chuyện của bạn - Đó sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp ích cho rất nhiều người vì an toàn giao thông. Bạn có thể tự viết bài hoặc nhờ phóng viên ghi lại câu chuyện của mình. Liên lạc qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 0935 538 777. |
Tuyết Khoa
Bình luận (0)