Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết: Giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 5.2019 đạt 346 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 1,5 tỉ USD, tăng 17% so với năm 2018.
Báo cáo cập nhập từng nhóm hàng tới hết tháng 4.2019 cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng thịt heo. Trong 4 tháng đầu năm nay nhập khẩu thịt heo đạt tới 23,6 triệu USD, so với năm 2018 chỉ có 3,5 triệu USD. Sự tăng trưởng này cũng phù hợp với diễn biến thị trường thịt heo trong nước khi mà dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên cả nước. Hiện nay, tại một số địa phương phía bắc giá heo tăng cao 40.000 - 42.000 đồng/kg, do nguồn cung khan hiếm. Chính vì vậy, xu hướng các nhà nhập khẩu tăng nhập thịt heo ngoại trong thời gian tới sẽ còn cao.
|
Tuy nhiên số lượng nhập khẩu lớn nhất là phụ phẩm chăn nuôi sau giết mổ, với tổng giá trị nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm nay gần 450 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Với xu hướng dịch bệnh và thị trường heo hơi có dấu hiện tăng giá, đây cũng là nhóm hàng được nhiều người trong ngành dự báo có tốc độ tăng mạnh trong thời gian tới. Nhóm hàng này được nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ và Hàn Quốc.
Đứng ở vị trí số 2 về giá trị nhập khẩu là sản phẩm thịt trâu, bò với giá trị 228,4 triệu USD tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Thịt trâu chủ yếu được nhập khẩu từ Ấn Độ; còn thịt bò từ các nước Mỹ, Úc, Canada…
|
Xếp thứ 3 là sản phẩm thịt gia cầm với giá trị trên 82 triệu USD, tăng tới 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một bất ngờ với ngành chăn nuôi vì ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đang phát triển tốt, sản lượng dồi dào. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tính đến thời điểm hiện tại, đàn gia cầm cả nước phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá bán thịt gia cầm ở mức tốt, người chăn nuôi có lãi ổn định nên yên tâm đầu tư, tăng quy mô, chăm sóc đàn vật nuôi. Tổng số gia cầm cả nước tháng 5.2019 tăng 7,1% so với cùng thời điểm năm 2018.
Bình luận (0)