Theo Bộ Công thương, trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu, ô tô nằm trong số những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Trong 2 tháng vừa qua, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 1,92 triệu tấn xăng dầu (tăng 43,1%), với tổng giá trị 1,7 tỉ USD (tăng 56,3%). Trong đó, nhập khẩu dầu thô tăng gấp 2,2 lần về lượng và 2,1 lần về giá trị. Hàn Quốc, Singapore và Malaysia vẫn là những thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam.
Còn theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 8,9 triệu tấn xăng dầu, với tổng trị giá gần 9 tỉ USD, tăng 28% về lượng và tăng 118,5% về giá trị so với năm 2021.
Để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước trong năm 2023, Bộ Công thương đã phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với năm 2022.
Đối với ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 28.124 chiếc, với trị giá 421 triệu USD, tăng 132% về lượng và 62,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Liên quan đến thị trường ô tô, từ ngày 24.2 đến ngày 4.3, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND các tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu người dân mua sắm.
Theo các hiệp hội và địa phương, thị trường ô tô trong nước chịu nhiều sức ép về lạm phát, tỷ giá, lãi suất ngân hàng tăng… khiến người dân thắt chặt chi tiêu, mua sắm khiến lượng ô tô tiêu thụ giảm mạnh, tác động tiêu cực đến người lao động, doanh nghiệp trong ngành ô tô.
VAMA cho biết, trong tháng 2, doanh số tiêu thụ ô tô toàn thị trường giảm 60% so với tháng 12.2022 và giảm 54% so với tháng 1. Đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, số lượng tiêu thụ trong tháng 1 cũng giảm 54% so với tháng 12.2022, khi các doanh nghiệp chỉ bán được 8.624 xe.
Bên cạnh đó, các hiệp hội và địa phương đồng loạt kiến nghị Chính phủ và các bộ xem xét gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2023 nhằm giúp doanh nghiệp cân đối nguồn tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)