>> Nhập nhèm chương trình đào tạo nước ngoài
Chỉ cần qua trung tâm du học
Tháng 11.2011, Học viện Giáo dục ĐH Kaplan (Singapore) được Bộ GD-ĐT cho phép liên kết đào tạo với Trường ĐH Sài Gòn. Phía VN cử giảng viên sang Singapore để tập huấn. Tuy nhiên, sau đó đại diện Kaplan tại VN đã đơn phương chạy sang Trung tâm dạy nghề kinh doanh ILA để liên kết chiêu sinh. Vì vậy, Bộ đã ra quyết định xử phạt và bắt buộc dừng chương trình này.
Không chấp nhận, Kaplan tìm cách khác để lôi kéo học viên. Học viện này nhờ các trung tâm du học đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo và nhận hồ sơ, sau đó đưa qua Singapore để nhập học.
Trong vai sinh viên (SV) đang học năm thứ 2 ngành quản trị kinh doanh, chúng tôi được Công ty tư vấn du học INEC - đơn vị tổ chức hội thảo học bổng của Kaplan tại VN, tư vấn cách chuyển tiếp sang Kaplan học. Tư vấn viên hướng dẫn chúng tôi mang bảng điểm, bằng tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, chứng chỉ tiếng Anh đến để nộp hồ sơ nhập học. INEC sẽ thay thế Kaplan nhận sinh viên vào học. Nhân viên tư vấn cũng mời chúng tôi tham dự buổi hội thảo ngày 19.8 của Kaplan tại công ty này và kèm theo quảng cáo nếu đăng ký học đợt này sẽ được miễn phí ghi danh gần 8 triệu đồng cùng học bổng của Kaplan cho chương trình thạc sĩ.
Không chỉ có INEC, Kaplan còn liên hệ với hàng loạt công ty du học khác để tổ chức hội thảo và chiêu sinh cho chương trình. Ngày 10.6 vừa qua có hội thảo giới thiệu học bổng và đăng ký du học của Kaplan tại Công ty liên kết du học Phú Hoàn Cầu (8 Trần Thiện Chánh, Q.10, TP.HCM). Công ty này cũng quảng bá sẽ miễn phí dịch thuật, phí gửi hồ sơ, dịch vụ và tặng vé máy bay đi Singapore nếu học viên đăng ký học.
Điều đáng nói là hiện Kaplan không hề có tư cách pháp nhân tại VN trong lĩnh vực giáo dục.
|
Học chuyển tiếp trái phép
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cơ sở nước ngoài không thể biết được luật pháp VN, họ chỉ biết tìm một đối tác tại VN để triển khai chương trình học, chiêu sinh cho mình. Một số công ty du học đứng ra nhận nhiệm vụ này, nhưng thay vì chỉ làm hồ sơ du học, các công ty lại làm văn phòng đại diện, nhận hồ sơ, thu học phí. Thậm chí, có nơi còn tổ chức đào tạo một thời gian ngắn tại VN mới đưa sang nước ngoài.
Không chỉ các công ty du học, nhiều trường ĐH, CĐ, trung tâm đào tạo có yếu tố nước ngoài cũng đứng ra nhận làm đối tác để giảng dạy rồi chuyển tiếp sang nước ngoài học dù chưa được phép.
Dựa vào danh sách các chương trình liên kết đã được Bộ phê duyệt (cập nhật đến ngày 11.8), chúng tôi phát hiện nhiều trường ĐH, CĐ đang tuyển sinh chương trình liên kết mà chưa xin phép. Chẳng hạn Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà mới được cho phép liên kết với Trường ĐH Griffith (Úc) nhưng trên website quảng bá các chương trình du học chuyển tiếp cả 3 trường ĐH khác: ĐH New England (Úc), ĐH Worcester, ĐH Buckinghamshire (Anh).
Trường ĐH FPT có kiểu chuyển tiếp khác. SV đang học hoặc đã tốt nghiệp các chương trình quốc tế như: Aptech, Niit, Informatics… hoặc SV chuyên ngành công nghệ thông tin sẽ chuyển tiếp một năm cuối vào chương trình Top - up + 2 (cử nhân ĐH Greenwich, Anh), sau đó sẽ nhận bằng cử nhân chuyên ngành trên của Trường ĐH Greenwich. Tuy nhiên, trong danh sách các chương trình liên kết được Bộ phê duyệt, Trường ĐH FPT chỉ được phép liên kết với tổ chức Edexcel (Anh) đào tạo kinh doanh chuyên ngành quản lý, marketing và kế toán.
Ý kiến: Khâu hậu kiểm chưa tốt Ở VN còn rất dở trong khâu hậu kiểm. Ở Mỹ, tồn tại cả trường tốt nhất thế giới, đồng thời cũng có trường thuộc dạng chỉ bán bằng. Khi tuyển dụng, các công ty ở Mỹ xem xét rất kỹ chuyện này để nhận người vào làm. Ở VN, có nhiều kênh để xin việc nên tấm bằng nhiều khi chỉ để hợp thức hóa vì thế mới xảy ra nhiều tiêu cực về bằng cấp. PGS-TS DƯƠNG ANH ĐỨC Chọn trường uy tín Trường càng uy tín thì càng kỹ lưỡng trong việc đảm bảo chất lượng của mình. Các trường ở Anh và Mỹ, nếu không được kiểm định, đó là một thảm họa. Đây cũng là vấn đề quan trọng khi chọn trường để học. PGS-TS HỒ THANH PHONG |
Đăng Nguyên
Bình luận (0)