Theo CNN, GDP Nhật Bản vừa tăng trưởng với tốc độ 4% trong ba tháng tính đến tháng 6. Đây là mức cao hơn đáng kể so với những gì giới phân tích dự báo và cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản có quý tăng trưởng thứ sáu liên tiếp.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chưa từng trải qua mức tăng trưởng bền vững như vậy từ năm 2006, và giới phân tích dự báo tương lai sẽ còn nhiều tin tốt hơn.
Ông Jesper Koll, người đứng đầu quỹ đầu tư WisdomTree Japan ở Tokyo cho hay: “Đây là lực đẩy lớn vào đầu năm tài chính. Nền kinh tế đang có chỗ đứng tốt”. Chuyên gia kinh tế Marcel Thieliant tại Capital Economics thì cho hay kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay. Quý tăng trưởng thứ bảy liên tiếp sẽ “đánh dấu đợt tăng trưởng lâu nhất của Nhật Bản từ đầu thế kỷ này”, ông Thieliant viết.
Số liệu tăng trưởng là tin tốt cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đang nỗ lực vực dậy tăng trưởng thông qua một loạt biện pháp kinh tế được biết đến với tên gọi “Abenomics”. Nhật Bản đã và đang chật vật với giá giảm và sức tăng trưởng chậm chạp trong nhiều thập niên. Chính phủ của ông Abe và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải phản ứng bằng cách hạ lãi suất và đưa ra gói kích thích lớn hồi năm 2016.
Nhà kinh tế Rob Carnell ở hãng ING (Singapore) cho hay: "Điều này giúp Nhật Bản trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khối G7 trong quý này và chúng ta có thể bắt đầu thảo luận về chiến lược thoát chương trình nới lỏng định lượng của BOJ".
Dù vậy, không phải tất cả khía cạnh của kinh tế Nhật Bản đều thuận buồm xuôi gió. Xuất khẩu của nước này lần đầu giảm trong bốn quý, trong khi mức gia tăng chi tiêu tiêu dùng vẫn chưa giúp giá cả đi lên mạnh mẽ. Dù đối mặt với thực trạng thiếu lao động, lương bổng lao động Nhật Bản vẫn chỉ tăng với tốc độ vừa phải.
Dù vậy, chuyên gia Koll lạc quan rằng kinh tế Nhật sẽ tiếp tục hưởng lợi. Chuyện thiếu công nhân “đang bắt đầu gây áp lực lên lương bổng và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng công ăn việc làm, vì vậy, người lao động có thể tìm thấy việc làm toàn thời gian nhiều hơn là bán thời gian”. Ông Koll cho rằng đây là khởi đầu thực sự của một chu kỳ tốt.
tin liên quan
Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản cố vươn ra quốc tếTrong thập niên qua, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) và hai nhà băng lớn khác chi hơn 54 tỉ USD cho hoạt động thâu tóm ở nước ngoài. Họ cũng tuyển thêm nhiều nhân viên ngoại quốc.
Bình luận (0)