Nhật Bản cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu duyệt web nhiều hơn

02/12/2021 09:07 GMT+7

Bên thứ ba buộc sẽ phải nhận được sự đồng ý của người dùng Nhật Bản trước khi có thể mua thông tin.

Theo Nikkei, chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các nhà điều hành website cung cấp cho người dùng internet cách thức để giữ dữ liệu duyệt web của họ không bị rơi vào tay bên thứ ba, nhằm giải quyết các mối quan tâm về quyền riêng tư và bảo mật khi dữ liệu này được truyền đi.

Bộ Truyền thông Nhật Bản sẽ bắt đầu nghiên cứu biện pháp cụ thể vào tháng 12.2021. Bên cạnh việc giải quyết lo ngại về quyền riêng tư và an ninh, Nhật Bản dự định tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ sẽ đặt ra quy tắc liên quan đến việc bán dữ liệu duyệt web cho bên thứ ba, chẳng hạn như các công ty quảng cáo. Thông thường, dữ liệu có thể được sử dụng để cá nhân hóa quảng cáo, nhưng nhiều người dùng ngày càng khó chịu khi họ nhận ra hành vi duyệt web và hành vi trực tuyến khác của họ đang bị theo dõi.

Các nhà điều hành website sẽ phải cung cấp cho người dùng cách bảo vệ dữ liệu duyệt web khỏi các bên thứ ba

chụp màn hình Nikkei/Yuki Kohara

Hiện tại, Nhật Bản không có quy định rõ ràng về sự đồng ý của người dùng. Bộ Truyền thông nước này có kế hoạch cấm các nhà điều hành website cung cấp dữ liệu của người dùng cho bên thứ ba trừ khi bên đó đã được sự đồng ý trước trực tiếp từ người dùng. Tất cả doanh nghiệp có trang web sẽ được yêu cầu phải tuân theo quy định. Các công ty không cung cấp dữ liệu duyệt web cho bên thứ ba mà tự sử dụng dữ liệu đó để cải thiện dịch vụ của mình sẽ bị loại trừ. Điều đáng chú ý là người dùng cũng có thể từ chối cho phép chuyển lịch sử duyệt web của họ, ngay cả sau khi duyệt xong.

Theo luật Bảo vệ thông tin cá nhân của Nhật Bản, lịch sử duyệt web không được coi là thông tin cá nhân. Do đó, dữ liệu đang được thu thập và sử dụng mà không có sự đồng ý của người dùng. Các chuyên gia đã nêu ra những lo ngại và cho rằng Nhật Bản đang đi sau các nước khác về vấn đề bảo vệ dữ liệu. Tại Liên minh châu Âu (EU), các cuộc thảo luận về thắt chặt quy tắc liên quan đến sự đồng ý của người dùng đã được tiến hành trong những năm gần đây.

Mặc dù không có quy tắc thống nhất ở Mỹ, nhưng người dùng thường có thể từ chối cho phép các nhà điều hành website chia sẻ dữ liệu của họ. Apple, công ty tự cho là rất quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng, đã thêm một chức năng vào trình duyệt web Safari để có thể bảo vệ dữ liệu duyệt web của người dùng và giữ cho dữ liệu đó không bị truyền đi. Google cũng lên kế hoạch cho tính năng tương tự, những gã khổng lồ internet khác đang cạnh tranh để tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư.

Các nhà phân phối quảng cáo và các nhà phân tích dữ liệu duyệt web dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến ngành quảng cáo trực tuyến có thể phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, quy định hạn chế cũng có khả năng tạo ra nhu cầu về các công nghệ thay thế thân thiện hơn với quyền riêng tư.

Cũng có quan điểm cho rằng các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Apple, vốn tích trữ lượng dữ liệu khổng lồ từ hoạt động của riêng họ, thậm chí còn chiếm ưu thế nhiều hơn nữa trong tương lai. Tình hình sẽ càng trở nên cấp thiết hơn trong việc tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng trong khi đảm bảo quyền riêng tư. Bộ Truyền thông Nhật Bản sẽ phải thiết kế một hệ thống xem xét tất cả những vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.