Nhật Bản có kimono, trà đạo, Việt Nam cũng cần có quốc phục, quốc tửu?

06/06/2024 11:01 GMT+7

Đại biểu đặt vấn đề du lịch Nhật Bản được du khách quốc tế biết đến hoa anh đào, kimono, trà đạo... nhưng Việt Nam thì chưa có cơ quan nào được giao thẩm quyền phê duyệt quốc hoa, quốc phục hoặc quốc tửu.

Sáng 6.6, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng. Nhiều đại biểu đặt vấn đề cần làm gì để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng sức hấp dẫn du khách quốc tế với du lịch Việt Nam?

Nhật Bản có kimono, trà đạo, Việt Nam cũng cần có quốc phục, quốc tửu?- Ảnh 1.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng

GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn số liệu thống kê từ Bộ VH-TT-DL cho thấy, Việt Nam có hơn 40.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh; trong đó có 8 di tích danh lam, thắng cảnh được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 di tích quốc gia đặc biệt và rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ VH-TT-DL lại nêu rằng, một trong những hạn chế của ngành du lịch Việt Nam là thiếu sản phẩm du lịch. Tại sao lại có tình trạng này, cần làm gì để khắc phục?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Việt Nam hiện có 4 sản phẩm du lịch, gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị.

Để tăng thêm sức hút với du khách, cơ quan chức năng đang đề xuất thêm một sản phẩm mới là du lịch sự kiện văn hóa. Hiện nay, các địa phương đã phát hiện rất nhiều loại hình du lịch nêu trên.

Trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ cùng các cơ quan liên quan phát huy tốt các giá trị văn hóa, nghệ thuật để phục vụ phát triển du lịch của địa phương; phân bổ nguồn thu tại các di tích văn hóa cho các chủ thể có liên quan; tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch…

Việt Nam cần có quốc hoa, quốc phục, quốc tửu?

Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề phát huy bản sắc dân tộc, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, một trong những lý do khiến khách quốc tế ít quay lại Việt Nam là chúng ta chưa làm rõ bản sắc dân tộc.

"Chúng ta tự hào về bản sắc của 54 dân tộc trên 63 tỉnh, thành nhưng đối với khách quốc tế thì họ lại rất khó nhớ rõ bản sắc riêng của Việt Nam", ông Cảnh nói.

Nhật Bản có kimono, trà đạo, Việt Nam cũng cần có quốc phục, quốc tửu?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh

GIA HÂN

Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Cảnh cho hay khi nhắc đến Nhật Bản, người ta nhớ ngay đến kimono, rượu sake, núi Phú Sĩ, trà đạo, hoa anh đào và cách chào hỏi của họ.

Du lịch Việt Nam cũng có thể để lại dấu ấn với du khách quốc tế qua áo dài, phở, Hạ Long, đàn bầu, rượu, múa rối nước.

Tuy nhiên, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được giao thẩm quyền duyệt quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, quốc cầm. Điều này phần nào hạn chế việc quảng bá bản sắc Việt Nam ra thế giới.

"Bộ trưởng có quan điểm gì về xây dựng một bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, góp phần hồi phục du lịch những năm tiếp theo?", ông Cảnh chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL.

Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, qua rà soát thì thấy vấn đề trên đang là khoảng trống pháp lý.

Năm 2011, Chính phủ từng giao Bộ VH-TT-DL xây dựng nhận diện bộ quốc hoa. Bộ VH-TT-DL sau đó có nhận diện hoa sen và đề xuất, nhưng đến khi trình lên thì không xác định được ai, cơ quan nào có thẩm quyền ký duyệt, vì không có quy định.

Tương tự, việc nhận diện bộ áo truyền thống của dân tộc cũng từng được nghiên cứu, nhưng thấy rất khó khăn nên dừng lại.

"Bài toán này tôi rất chia sẻ với đại biểu Cảnh vì nhiều lần đại biểu mặc áo dài đi họp và chúng tôi biết điều đó, đại biểu rất trăn trở và muốn giữ được bản sắc văn hóa", ông Hùng nói.

Nhân cuộc chất vấn, người đứng đầu Bộ VH-TT-DL tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định để lấp khoảng trống pháp lý nêu trên.

Theo ông Hùng, giao thẩm quyền cho bộ nào là quyền của Quốc hội, hoặc có thể đưa vào trong luật Tổ chức Chính phủ để Chính phủ hoặc các bộ, ngành được thẩm quyền công nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.