Cụ thể, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa hôm nay 16.2 phát biểu trước các phóng viên: "[Thủ tướng Kishida] Fumio nói rằng ông ấy muốn có các cuộc đàm phán hướng tới việc hiện thực hóa một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo [Triều Tiên] Kim Jong-un", AFP đưa tin.
Theo ông Hayashi, Nhật Bản đang "lưu tâm" đến bình luận của bà Kim. Dù vậy, quan chức này nói rằng: "Lập luận của Triều Tiên rằng vấn đề bắt cóc đã được giải quyết là hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Trước đó, bà Kim Yo-jong, em gái của ông Kim, nói rằng một chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới Bình Nhưỡng là điều "khả thi", trừ khi Tokyo biến vấn đề bắt cóc thành trở ngại cho quan hệ song phương.
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói về khả năng Thủ tướng Nhật Bản thăm Triều Tiên
Bình luận của bà Kim được thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) đưa tin hôm 15.2. Bà đề cập những nhận xét của ông Kishida trong phiên họp của Ủy ban Quốc hội vào tuần trước, liên quan vụ Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản nhiều thập niên trước.
Theo bà Kim, "sẽ không có lý do gì" để 2 nước không trở nên thân thiết và ngày thủ tướng đến thăm Bình Nhưỡng có thể sẽ diễn ra. Bà cho biết chuyến thăm là "khả thi" nếu Tokyo "không đặt ra các trở ngại như vấn đề bắt cóc, vốn đã được giải quyết, trong quá trình hàn gắn quan hệ song phương trong tương lai".
Dù vậy, bà Kim nói rằng phát biểu của bà chỉ thể hiện "quan điểm cá nhân" và bà không có tư cách bình luận chính thức về mối quan hệ song phương.
Tuy nhiên, theo đài NHK, các bình luận công khai của bà Kim thường có xu hướng phản ánh ý định của anh trai bà. Việc bà đưa ra phát biểu theo quan điểm cá nhân về mối quan hệ giữa Nhật Bản và Triều Tiên là điều cực kỳ hiếm khi xảy ra.
NHK đưa tin ông Kishida trước đó cho rằng đã đến lúc phải mạnh dạn thay đổi tình hình hiện tại giữa 2 nước. Ông cũng nói rằng chính phủ của ông đang nỗ lực liên tục để liên lạc với Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau.
Năm 2002, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Koizumi Junichiro và nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong-il đã gặp nhau tại Bình Nhưỡng trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm đó, Triều Tiên thừa nhận vụ bắt cóc. Sau đó, 5 người Nhật Bản đã được trả tự do. Tuy nhiên, phía Tokyo cho rằng vẫn còn 12 người khác bị bắt trong những năm 1970-1980 vẫn chưa được thả.
Bình luận (0)