Theo Bloomberg, Nhật Bản đốt hơn một nửa chất thải nhựa để chuyển thành điện năng và hy vọng các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia đang phải vật lộn với lượng nhựa ngày càng tăng lên, sẽ mua công nghệ và bí quyết của mình.
Chất thải nhựa có hàm lượng carbon tương tự dầu và thấp hơn một chút so với than. Theo Eunomia Research & Consulting - công ty tư vấn quản lý môi trường và chất thải, công nghệ này có thể giúp giảm lượng nhựa nhưng việc thực hiện nó trên quy mô lớn có thể làm tổn hại tới các nỗ lực quốc gia chống lại phát thải gây biến đổi khí hậu.
Ann Ballinger, nhà tư vấn của Eunomia cho biết rằng “sự phụ thuộc nặng nề vào việc đốt rác thải để xử lý chất thải có khả năng cản trở những nỗ lực của Nhật Bản trong việc giảm phát thải biến đổi khí hậu. Đặc biệt những nơi xử lý các chất thải nhựa là mối lo ngại”.
Masayoshi Kurisu, phó giám đốc của Bộ Môi trường cho biết Nhật Bản đang thúc đẩy các công nghệ đốt rác thải của riêng mình. Theo ông, rác thải sinh hoạt là sự thay thế tốt hơn cho nhiên liệu hóa thạch vì nó chứa một số sinh khối nhưng ông cũng không trả lời những câu hỏi về việc phát thải của các lò đốt này.
|
Nhật Bản đã tụt lại so với các quốc gia khác trong việc cắt giảm tài chính cho quá trình tạo năng lượng từ than ở nước ngoài trong bối cảnh lo ngại về các nhiên liệu hóa thạch đối với biến đổi khí hậu. Nhật Bản, đất nước có chất thải nhựa cao thứ hai trên đầu người sau Mỹ, cũng đã xem xét kỹ lưỡng về việc sử dụng nhựa và cung cấp các túi giấy, giấy gói cho các mặt hàng sử dụng một lần.
Ở Anh, các lò đốt tạo ra điện từ chất thải hỗn hợp đã giải phóng khoảng 700 gram carbon dioxide (CO2) cho mỗi kilowatt giờ năng lượng tạo thành, ít hơn một chút so với lượng khí thải từ một nhà máy than. Con số này có thể không đại diện cho công nghệ tương tự ở các nước châu Á, nơi có hàm lượng chất thải thực phẩm cao.
Kurisu cho biết hiện nước này có hơn 370 nhà máy xử lý chất thải sang điện năng hoạt động. Các cơ sở tiên tiến nhất có thể đốt cháy 1.000 tấn rác mỗi ngày, có công suất 16,7 megawatt và tiêu tốn khoảng 20 tỉ yen (186 triệu USD) để xây dựng. Các công ty Nhật Bản bao gồm tập đoàn Hitachi Zosen cũng đang sản xuất và xuất khẩu các cơ sở này ra nước ngoài.
Bloomberg cho biết trong một báo cáo tháng 10.2018 trích dẫn từ Hội đồng năng lượng thế giới, thị trường toàn cầu đốt chất thải để tạo ra năng lượng và nhiệt lượng có thể trị giá 40 tỉ USD vào năm 2023. Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu hệ thống quản lý chất thải lên 10 tỉ yen vào năm 2020 kể từ thời điểm 2015.
Bình luận (0)