Nhật Bản hạn chế sử dụng công nghệ nước ngoài trong viễn thông và lưới điện

20/05/2021 07:28 GMT+7

Chính phủ Nhật Bản sẽ sớm đưa ra các quy định mới cho 14 lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng.

Theo Nikkei, các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm điện, viễn thông, tài chính, đường sắt, dịch vụ chính phủ và chăm sóc sức khỏe. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sửa đổi các luật khác nhau điều chỉnh sâu rộng theo từng lĩnh vực và bổ sung một điều khoản yêu cầu mỗi lĩnh vực phải có ý thức về rủi ro an ninh quốc gia. Cụ thể, từng lĩnh vực sẽ được yêu cầu xem xét các vấn đề bắt nguồn từ việc sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ nước ngoài, bao gồm lưu trữ dữ liệu đám mây và kết nối với các máy chủ đặt ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng yêu cầu các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng phải giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia khi mua thiết bị do nước ngoài sản xuất. Chính phủ sẽ giám sát việc tuân thủ của các công ty và sẽ đình chỉ hoặc hủy bỏ giấy phép kinh doanh nếu có bất kỳ vấn đề lớn nào phát sinh. Theo Nikkei, các cơ quan chính phủ Nhật Bản trong năm 2018 đã đồng ý ngừng mua sắm thiết bị có khả năng gây ra rủi ro an ninh kinh tế. Bây giờ họ muốn các công ty tư nhân tuân theo các tiêu chuẩn tương tự.
Tiềm năng về tấn công mạng và rò rỉ thông tin đã tăng lên đáng kể trong những năm qua khi các hãng viễn thông và tiện ích công cộng ngày càng dựa vào công nghệ kỹ thuật số để vận hành, giám sát cơ sở hoạt động. Động thái mới của Nhật Bản được xem như bước rút kinh nghiệm sau khi vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào Colonial Pipeline hồi đầu tháng này khiến “động mạch năng lượng” chính ở Bờ Đông nước Mỹ tê liệt. Các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng có thể gây ra gián đoạn lớn đối với cuộc sống hằng ngày. Đáng lo ngại hơn là nó còn có khả năng gây ra thảm họa như tai nạn máy bay và lũ lụt bằng cách nhắm vào các hệ thống kiểm soát không lưu và đập, hoặc đóng cửa các cơ sở điện hạt nhân từ xa.
Việc gia tăng khả năng giám sát, kiểm soát từ xa các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng là nguyên nhân dẫn đến rủi ro mạng lớn hơn, chẳng hạn như các chương trình bất hợp pháp được tích hợp trong máy chủ, bộ định tuyến và những thiết bị viễn thông khác. Ngày càng có nhiều lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu thông qua thiết bị và dịch vụ do Trung Quốc sản xuất nói riêng, đặc biệt khi Bắc Kinh gần đây yêu cầu các công ty hoạt động trong nước phải tuân thủ quy định mới về dữ liệu thông tin.
Không riêng Nhật Bản, các quốc gia khác cũng đang áp đặt hạn chế tương tự đối với hoạt động mua bán liên quan đến công nghệ. Mỹ yêu cầu các công ty phải được chấp thuận trước khi sử dụng thiết bị và dịch vụ công nghệ do Trung Quốc sản xuất. Vương quốc Anh đã đề xuất luật phạt các công ty viễn thông tới một phần mười doanh thu nếu không loại bỏ thiết bị của Huawei Technologies khỏi mạng 5G. Thụy Điển cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước bỏ sản phẩm của Huawei và ZTE ra khỏi mạng 5G trước thời hạn tháng 1.2025.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.