Tờ The Guardian ngày 7.5 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết các biện pháp sẽ được duy trì ở thủ đô, khu vực Osaka và các tỉnh lân cận là Hyogo và Kyoto. Các biện pháp tương tự cũng sẽ được áp dụng tại các tỉnh Fukuoka và Aichi. Thế vận hội Tokyo 2020 đã phải dời từ năm ngoái sang năm nay do diễn biến của đại dịch Covid-19, nhưng càng sát ngày khai mạc thì Nhật Bản đối mặt thêm nhiều khó khăn.
Lo ngại bệnh dịch bùng phát
Theo báo cáo, Nhật Bản ghi nhận 620.000 ca nhiễm từ khi đại dịch bắt đầu và 10.600 ca tử vong - con số cao nhất ở Đông Á. Vào ngày 7.5, thành phố đã ghi nhận thêm 907 ca nhiễm, nâng tổng số lên 144.441.
Trước đó, chính quyền đã ban hành lệnh đóng cửa các nhà hàng phục vụ rượu và các cửa hàng lớn khác - đối với những trường hợp chống đối hoặc không tuân thủ sẽ bị phạt - những cơ sở còn lại được khuyến khích nên đóng cửa trước 8 giờ tối.
Và người dân đã được khuyến cáo nên tránh di chuyển khi không cần thiết, tuy nhiên, phân tích lưu lượng bộ hành cho thấy vẫn còn nhiều người “cố tình phớt lờ” khuyến cáo đó hoặc họ bất đắc dĩ phải ra ngoài đường.
“Dựa trên các phân tích từ nhiều góc độ khác nhau, tôi nghĩ rằng chúng ta cần gia hạn tình trạng khẩn cấp”, bà Yuriko Koike, Thị trưởng Tokyo, nêu ra ý kiến trước khi các biện pháp phòng ngừa được gia hạn. Trong khi đó, Osaka bị cho rằng hiện là tâm chấn của làn sóng Covid-19 thứ tư của Nhật Bản, và đã hết giường bệnh cho những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng, đang ở trong "tình trạng khá nguy hiểm, theo Bộ trưởng Nishimura nói. Một số người dân trong quận đã qua đời tại nhà trong khi chờ được điều trị.
Chỉ trích kịch liệt
Thời gian qua, Thủ tướng Suga đã bị chỉ trích vì phản ứng chưa hiệu quả với đợt bùng phát mới nhất và việc triển khai vắc xin chậm trễ của Nhật Bản.
Theo phía chỉ trích, việc đưa ra những kế hoạch bất khả thi cũng như thiếu nguồn nhân lực là minh chứng cho việc chính phủ đương nhiệm chưa hoàn thành việc tiêm chủng cho nhân viên y tế và hầu như chưa bắt đầu thực hiện tiêm chủng cho những người từ 65 tuổi trở lên.
|
Đến nay, chỉ mới 2,2% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Pfizer, loại vắc xin duy nhất được Bộ Y tế phê duyệt. Nhật Bản mới chỉ sử dụng 15% kho dự trữ của mình, trong khi đó 24 triệu liều vắc-xin còn nằm trong tủ đông.
Nỗ lực mới nhất để giảm số ca mắc bệnh diễn ra một ngày sau khi vắc-xin Pfizer / BioNTech đạt được thỏa thuận với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để tiêm phòng cho các vận động viên tham gia Thế vận hội mùa hè này ở Tokyo.
Điều đó càng ấy lên sự phản đối vì số đông người dân chưa được tiêm ngừa vắc xin, nhất là khi có thông tin cho rằng các vận động viên và quan chức thuộc ban tổ chức Thế vận hội của Nhật Bản cũng sẽ được ưu tiên tiêm phòng.
Bị kêu gọi hủy bỏ
Đây không phải là thách thức duy nhất mà chính phủ đương nhiệm của Nhật phải đối mặt giữa tình cảnh đại dịch. Dư luận nước này đang phản đối việc tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020.
Các y tá và nhân viên y tế đã lên mạng xã hội để phản đối các yêu cầu buộc họ phải tình nguyện phục vụ sự kiện này. Một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội đã thu hút hơn 200.000 chữ ký chỉ trong vài ngày.
|
Kenji Utsunomiya, một luật sư nổi tiếng và cựu ứng cử viên cho chức thống đốc Tokyo, người đã tổ chức viết bản kiến nghị cho biết: “Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi ngăn chặn sự lây lan của coronavirus và bảo vệ cuộc sống và sinh mạng bằng cách sử dụng các nguồn lực sẵn có để ngăn chặn Thế vận hội diễn ra”.
Nhà tổ chức dự kiến cấm người hâm mộ quốc tế theo dõi trực tiếp Thế vận hội Tokyo, còn đối với người hâm mộ Nhật thì có thể đến địa điểm thi đấu.
Bình luận (0)