Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn tấn công mạng tại Thế vận hội Tokyo

23/07/2021 11:50 GMT+7

Phần mềm độc hại được xóa sạch và các trang phát trực tuyến giả mạo cũng được các chuyên gia bảo mật gắn cờ trước thềm khai mạc Thế vận hội Tokyo 2020.

Theo Nikkei, nhiều phần mềm và trang web độc hại đã nhắm mục tiêu tấn công vào ban tổ chức sự kiện và người hâm mộ khi lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo đang đến gần. Ví dụ, cơ quan chức năng đã phát hiện một tệp PDF giả mạo một báo cáo bằng tiếng Nhật về các cuộc tấn công mạng liên quan đến Thế vận hội. Nếu tệp này được mở ra, nó sẽ kích hoạt phần mềm độc hại lây nhiễm vào máy tính của người dùng.
Mục tiêu của phần mềm độc hại này là các tệp được tạo trên trình xử lý văn bản Ichitaro sử dụng chủ yếu ở Nhật Bản. Tin tặc được cho là đã gửi tệp PDF giả mạo qua email cho những người trong ban tổ chức sự kiện nhằm cố gắng phá hủy các tài liệu quan trọng liên quan đến Thế vận hội. Theo hãng dịch vụ bảo mật thông tin Mitsui Bussan Secure Directions (MBSD), phần mềm đã được tải lên trang web chuyên quét phần mềm độc hại VirusTotal hôm 20.7, sau đó đã bị phát hiện bởi một số sản phẩm phần mềm chống virus trên khắp thế giới.
Được biết, tại Thế vận hội mùa đông 2018 tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc, một phần mềm độc hại gọi là “Kẻ hủy diệt Olympic” đã gây ra sự cố gián đoạn hệ thống lớn. “Đây là kiểu tấn công mà chúng tôi cần quan tâm nhiều nhất khi tổ chức Thế vận hội Tokyo và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ điều này”, Takashi Yoshikawa, chuyên gia phân tích phần mềm độc hại của MBSD, nói.
Ngoài phần mềm độc hại, các trang web phát trực tuyến giả mạo cũng nổi lên như mối quan tâm chính đối với Thế vận hội năm nay. Cụ thể, các trang web phát trực tuyến liên quan đến sự kiện thể thao lớn nhất thế giới đã yêu cầu người dùng cho phép thông báo để hiển thị quảng cáo độc hại. Công ty phần mềm an ninh mạng Trend Micro đã xác định nhiều trang web thuộc loại này, đồng thời cảnh báo việc nhấp vào liên kết đó có thể khiến người dùng bị tấn công.
Theo Nikkei, nội dung Thế vận hội được cung cấp miễn phí trên hai nền tảng phát trực tuyến chính thức ở Nhật Bản: một từ đài truyền hình nhà nước NHK và một là từ các đài truyền hình thương mại. Các kênh phát trực tuyến khác không được ủy quyền phát sóng trong nước. Người hâm mộ Thế vận hội được khuyên nên theo dõi sự kiện trên những nền tảng đã được phê duyệt chính thức.
Mối đe dọa tấn công mạng khác bao gồm các trang web Thế vận hội giả mạo với thuật ngữ chính như “Tokyo” hoặc “2020” trong tên miền. Theo cơ quan chức năng, thông tin đăng nhập của người mua vé và tình nguyện viên đã bị rò rỉ trực tuyến trong một cuộc tấn công có khả năng là lừa đảo. Nhà tổ chức đang kêu gọi người hâm mộ thận trọng trước những mối đe dọa như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.