Theo tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 29.4, tên lửa bội siêu thanh trên được gọi là phi đạn siêu tốc (HVGP).
Bộ Quốc phòng Nhật muốn HVGP đầu tiên được đưa vào sử dụng chậm nhất là năm 2026 và phiên bản nâng cấp được triển khai sau năm 2028.
HVGP được thiết kế để phóng bằng động cơ tên lửa. Khi bay ở độ cao nhất định, đầu đạn tách khỏi HVGP rồi trượt với vận tốc bội siêu thanh (từ Mach 5 (6.174 km/giờ) trở lên) đến mục tiêu.
HVGP sẽ được hướng dẫn bằng hệ thống dẫn đường quán tính (INS) với sự hỗ trợ của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS).
Một khi HVGP được đưa vào sử dụng, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ 4 trên thế giới được trang bị vũ khí bội siêu thanh, sau Trung Quốc, Nga và Mỹ.
HVGP đầu tiên của Nhật sẽ tập trung vào các mục tiêu trên bộ, trong khi phiên bản nâng cấp sẽ nhắm tới các tàu nổi của kẻ thù, chủ yếu là chiến hạm lớn, theo Bộ Quốc phòng Nhật.
Bộ Quốc phòng Nhật xác nhận việc phát triển vũ khí bội siêu thanh là nhằm “tăng cường đều đặn khả năng phòng thủ” trong Sách trắng quốc phòng được công bố hồi tháng 8.2018.
Theo chuyên trang The Drive, Sách trắng đề cập “các đảo hẻo lánh” nhằm nhắc đến quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Nếu được triển khai đến Okinawa, hoặc các đảo khác của Nhật gần Senkaku/Điếu Ngư, tên lửa bội siêu thanh, với tầm bắn từ 300 - 500 km, sẽ trở thành vũ khí mới cho nước này răn đe Trung Quốc.
Bình luận (0)