Hãng Kyodo News đưa tin đồng yen của Nhật Bản đã suy yếu xuống mức 147,8 so với đồng USD trên thị trường New York gần đây, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11.2022.
Sự suy yếu diễn ra khi nhiều người bán đồng yen để mua lại đồng USD trong bối cảnh có nhiều suy đoán cho rằng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ.
Ngay sau thông tin trên, ông Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách vấn đề quốc tế, nói rằng các nhà chức trách sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào để kiểm soát các động thái "đầu cơ" tiền tệ nhằm chống lại việc bán tháo đồng yen.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng đưa ra bình luận tương tự vào cùng ngày. Ông nói rằng chính phủ sẽ thực hiện các bước thích hợp chống lại biến động ngoại hối quá mức và không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào.
Tuy nhiên, việc giới chức Nhật Bản vẫn chưa tiết lộ cách thức họ sẽ sử dụng để kiểm soát tình hình đã khiến giới giao dịch phải đoán già đoán non về chiến lược can thiệp của chính phủ nước này.
Khả năng chính phủ can thiệp
Lần lần nhất chính quyền Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng yen là vào tháng 10.2022. Thời điểm đó, giới chức sử dụng các cụm từ như "quan ngại sâu sắc" và cam kết thực hiện "các bước quyết định" trước khi can thiệp.
Do đó, có thể thấy các bình luận được đưa ra ngày 6.9 đã mạnh mẽ hơn so với những lần trước đây. Đây cũng là phát biểu có sức nặng nhất kể từ tháng 8, khi đồng yen trượt qua ngưỡng quan trọng là 145 đổi 1 USD.
Ông Satoshi Takase, chuyên gia kinh tế thị trường tại công ty Mizuho Securities, cho biết: "Sự can thiệp một lần hay còn gọi là hoạt động giảm nhẹ nhằm điều chỉnh sự biến động ngắn hạn được cho phép, là tuân theo các quy tắc quốc tế".
Theo chuyên gia này, mức 150 yen đổi 1 USD có thể là giới hạn cuối cùng và sau đó chính phủ sẽ can thiệp.
Kể từ tháng 7, đã có nhiều suy đoán rằng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda có thể tìm cách điều chỉnh đường cong lợi suất trong năm nay, nhưng mốc thời gian cho một động thái như vậy vẫn chưa rõ ràng. Điều này đã dẫn đến sự không chắc chắn của thị trường xung quanh chính sách tiền tệ và tạo ra những biến động trong tỷ giá USD/yen.
Hồi tháng 7, cựu Phó Thống đốc BOJ Masazumi Wakatabe nhấn mạnh rằng Thống đốc Ueda đang cố gắng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, theo công ty ngoại hối Daily FX, một động thái diều hâu quá sớm có thể đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới quay trở lại tình trạng giảm phát, điều thường xuyên làm suy yếu nền kinh tế trong nhiều thập niên.
Kinh tế Nhật Bản còn lỏng lẻo
Theo tờ Nikkei Asia, chính sách tiền tệ của Nhật Bản vẫn lỏng lẻo trong khi Mỹ và châu Âu tăng lãi suất, và sự chênh lệch lãi suất ngày càng lớn này đã thúc đẩy việc bán đồng yen. Nhiều người cho rằng một sự điều chỉnh của BOJ sẽ thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy việc mua hàng.
Dữ liệu gần đây đã củng cố suy đoán như vậy. Cuộc khảo sát lao động hàng tháng được chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 7 cho thấy thu nhập tiền mặt trên mỗi công nhân tăng 2,5% trong tháng 5, nhanh hơn so với tháng 4. Điều này phần lớn nhờ vào các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa xuân.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống đã vượt mục tiêu 2% hàng tháng mà BOJ đặt ra kể từ tháng 4.2022. Những điều này đã cho thấy mục tiêu tăng giá ổn định đi kèm với tăng lương của ngân hàng trung ương đang ngày càng gần hơn.
Bình luận (0)