Nhật Bản than phiền về tình hình giải ngân chậm các dự án ODA

17/10/2018 17:59 GMT+7

Sau khi các nhà tài trợ đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam, việc giải ngân các dự án ODA đã “có chuyển biến rõ rệt”, nhưng phía Nhật Bản vẫn tiếp tục than phiền về tình trạng đình trệ của nhiều dự án.

Ngày 17.10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ra thông báo tình hình triển khai các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam trong nửa năm tài khóa 2018.
Theo đó, từ tháng 4 - 9 vừa qua, Việt Nam không ký kết hiệp định vay vốn mới nào; tổng giá trị vốn vay đã giải ngân từ tháng 1 - 6 là 39,508 tỉ yên, từ tháng 4 - 9 là 23,38 tỉ yên.
Có 4 dự án hợp tác kỹ thuật đã hoàn thành, 31 dự án đang triển khai, trong đó có 2 dự án mới là dự án xây dựng hoạt động nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; và dự án đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược.
4 dự án viện trợ không hoàn lại đang triển khai, trong đó có 1 dự án mới là chương trình học bổng Phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam trị giá 7,45 tỉ yên.
Đối với các dự án, chương trình đề xuất từ các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản, có 9 dự án đã hoàn thành, 35 dự án đang triển khai (trong đó có 11 dự án mới). 
Các dự án nổi bật trong nửa đầu tài khóa 2018 được JICA đề cập, như khánh thành cảng Lạch Huyện - cảng nước sâu quốc tế đầu tiên của miền Bắc; dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (Đà Nẵng - Quảng Ngãi); dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình công suất 600 MW và đường dây truyền tải...
Tuy nhiên, JICA cũng đề cập nhiều đến các tồn tại trong quá trình triển khai, chủ yếu là chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục, chậm thanh toán tại các dự án ODA, khiến nhiều dự án bị đình trệ.
Phía JICA cho rằng, việc giới hạn trần nợ công ở 65% GDP và kế hoạch đầu tư công trung hạn dẫn đến việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án của JICA, và “tình hình ngày càng trở nên trầm trọng”.
Chính phủ Nhật Bản cùng với các nhà tài trợ lớn khác đã có các cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam, nhờ đó phân bổ ngân sách năm tài khóa 2018 đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đề nghị Việt Nam phân bổ thêm ngân sách cho một số dự án hiện đang thiếu vốn như Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 hay một số dự án khác do Bộ GTVT làm chủ quản.
JICA cũng cho biết vẫn nỗ lực tiến hành các cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam để đẩy nhanh tốc độ phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án đường sắt đô thị TP.HCM.
Được biết, trong khi chờ phê duyệt, TP.HCM đã ứng trước tiền ngân sách lần thứ 3 để thanh toán trước cho nhà thầu. Việc ứng trước lần thứ 4 (khoảng 5 tỉ yên) cũng đã được UBND thành phố chấp thuận và đang giải ngân. JICA tiếp tục đề nghị TP.HCM giải quyết các khoản thanh toán cho nhà thầu.
Ngoài ra, một số dự án ODA hai nước đã ký kết vẫn bị đình trệ, ví dụ dự án biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai thông qua sử dụng vệ tinh quan sát trái đất; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên); dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); dự án tăng cường an ninh an toàn hàng hải… JICA hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm đưa ra biện pháp giải quyết trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.