Nhật Bản xả 1 triệu tấn nước nhiễm xạ vào đại dương ra sao?

Nhật Bản xả 1 triệu tấn nước nhiễm xạ vào đại dương ra sao?

06/07/2023 13:31 GMT+7

Nhật Bản chuẩn bị bơm ra biển hơn một triệu tấn nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Số nước nhiễm xạ này đã được xử lý và sẽ được xả dần trong nhiều thập niên. Kế hoạch này đã được cơ quan Giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc thông qua, bất chấp phản đối quyết liệt từ cư dân địa phương và một số láng giềng của Nhật Bản.

Sau "thảm họa kép" động đất và sóng thần tại Fukushima năm 2011, nước biển được dùng để làm nguội các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng đã bị phá hủy ở nhà máy điện hạt nhân Daiichi. Lượng nước nhiễm phóng xạ sau đó được trữ trong các bể chứa khổng lồ, đủ để lấp đầy 500 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.

Giới chức tại Nhật Bản cho biết các bể chứa đã gần đầy, và cần được tháo dỡ để xây lại nhà máy.

Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) trong thời gian qua đã chưng cất nước để loại bỏ các đồng vị, chỉ để lại triti vì đây là một đồng vị phóng xạ của hydro khó tách khỏi nước. Tiếp đó, Tepco sẽ pha loãng nước cho đến khi mức triti trong nước giảm xuống dưới giới hạn quy định trước khi đổ xuống đại dương.Các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới thường định kỳ xả nước chứa triti, và giới chức có thẩm quyền hỗ trợ kế hoạch của Tepco

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi cho biết: "Kế hoạch được đề xuất và sửa đổi phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được thống nhất. Do đó, nếu chính phủ quyết định tiến hành kế hoạch này thì tác động lên môi trường, bao gồm nước, các sinh vật biển và trầm tích, sẽ là không đáng kể".

Theo một bài nghiên cứu trên tờ Science American, chất đồng vị triti được xem là tương đối vô hại vì nó không phát ra đủ năng lượng để xuyên qua da người. Tuy nhiên, chất này làm gia tăng nguy cơ ung thư nếu con người nuốt phải.

Chợ cá Hàn Quốc quan ngại nước nhiễm phóng xạ từ Nhật

Quy trình lọc và pha loãng nước để thải sẽ kéo dài liên tục nhiều thập niên, cùng với kế hoạch ngừng hoạt động của nhà máy.

Tuy nhiên, các hiệp hội ngư dân ở Fukushima đã kêu gọi chính phủ không xả nước, do lo ngại điều này có thể gây thiệt hại đến nỗ lực phục hồi uy tín ngành ngư nghiệp ở đây. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra vào tháng 5 ở Tokyo, với biểu ngữ kêu gọi "không thải nước bị ô nhiễm ra biển!".

Các nước láng giềng cũng đã bày tỏ lo ngại. Trong đó, Trung Quốc đã quyết liệt lên án kế hoạch của chính phủ Nhật Bản là vô trách nhiệm, không được lòng dân và đơn phương.

Tại Hàn Quốc, người dân cũng bắt đầu mua trữ muối biển vì sợ khả năng nhiễm độc dù Nhật Bản đã nhiều lần đảm bảo nguồn nước thải ra là an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.